CSGT được trang bị vũ khí theo quy định
Điều 70, Luật Trật tự An toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được thông qua quy định: Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ.
Lực lượng khác trong công an nhân dân tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Các lực lượng quy định tại khoản 1 Điều này được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Sử dụng thiết bị lưu trữ dữ liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp để phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ và các vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ được quản lý theo quy định của Luật này, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Thông tư 32/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9/2023, CSGT được trang bị: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.
Ngoài ra, lực lượng tuần tra được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm cảnh sát, trên phương tiện giao thông. Mục đích để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Được sử dụng vũ khí để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ
Điều 73 của Luật quy định ngăn chặn hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, cản trở, chống người thi hành công vụ như sau:
Khi người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ, người thi hành công vụ thực hiện các biện pháp sau đây:
Giải thích cho người vi phạm biết rõ về hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ; quyền và trách nhiệm của người vi phạm; thuyết phục, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát;
Áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp người vi phạm cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật;
Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì tùy theo tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi vi phạm và phòng vệ chính đáng.
Trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng phương tiện và bỏ chạy thì người thi hành công vụ được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.
Truy đuổi người vi phạm để bảo đảm an toàn cho người khác
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình quy định cho CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông và được phép sử dụng vũ khí khi bị người vi phạm tấn công. Theo đại biểu, hiện có nhiều trường hợp chống đối người thi hành công vụ.
"Một số ý kiến e ngại trong quá trình sử dụng công cụ hỗ trợ, biện pháp phòng vệ sẽ xảy ra tình trạng lạm dụng, nhưng trong Luật Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ cũng đã quy định rất rõ phạm vi sử dụng, đối tượng sử dụng, hình thức sử dụng. Vì vậy, nếu thực hiện tốt, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm thì chúng ta không lo sự lạm quyền", bà Nga nói.
Còn đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, khi xảy ra sự việc người vi phạm chạy trốn hoặc chống đối lại CSGT sẽ gây nguy hiểm cho người khác, nên cần cho phép lực lượng CSGT đang thi hành công vụ được xử lý trực tiếp.
"Chúng ta chỉ có thể phạt nguội khi có camera quay lại, còn nếu không ghi được hình ảnh sẽ không xử lý được vi phạm. Cần thận trọng đưa vào quy định, nhưng nếu thận trọng quá sẽ dẫn đến bế tắc không xử lý được các vi phạm", đại biểu Trần Văn Tiến nêu ý kiến.
Trước đó, Bộ Công an cho biết, tình hình trật tự ATGT đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp. TNGT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Bộ Công an đánh giá, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp.
Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự ATGT đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận