Đường sắt

Mỗi nơi mỗi vẻ cảnh giới đường ngang

28/02/2016, 19:45

Ngành Đường sắt phải làm việc để cử người địa phương cảnh giới nên ATGT đường sắt qua đường ngang này được đảm bảo.

23
Lực lượng thanh niên tình nguyện gác đường ngang đã góp phần đảm bảo an toàn GTĐS khi tăng tàu dịp hè, lễ, tết. - Ảnh minh họa

Đã quá nửa giờ sáng nhưng ô tô to, ô tô bé, xe tải nhỏ, xe tải to vẫn kìn kìn ra vào con đường cắt ngang tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Bà bán nước ven đường bảo, ô tô qua đây nhiều vì tránh trạm thu phí. Ngành Đường sắt phải làm việc với tỉnh để cử người địa phương cảnh giới nên ATGT đường sắt qua đường ngang này được đảm bảo.

Nhìn ngược, nhìn xuôi tìm người cảnh giới đường ngang của địa phương không thấy đâu. Hỏi thăm, bà bán nước nói: “Ông ấy về rồi, chờ một lúc ông ấy ra”. Lạ, giờ cảnh giới là từ sáng đến chiều, vậy mà người cảnh giới lại đi về? Sắp đến giờ tàu qua đường ngang thì người cảnh giới ra thật. Ông bảo: “Chòi không có, ô hỏng, mà rét mướt thế này, cứ ở ngoài đường suốt từ sáng đến chiều, tuổi già như tôi nhiều khi chịu không nổi. Tiền hỗ trợ thì thấp, chưa đến triệu bạc. Thành ra, ke thời gian trống giữa hai đoàn tàu qua đây, tôi tranh thủ về nhà xem lợn gà thế nào rồi lại ra. Từ trưa đến chiều tàu nhiều, không về được…”.

Còn tại một đường dân sinh qua đường sắt Thống Nhất trên địa bàn tỉnh Nam Định, địa phương cũng tổ chức cảnh giới. Nhưng hình thức khác hẳn: Làm chòi gác, có cần chắn, có điện thoại báo giờ tàu và cả “giường” để nghỉ ngơi vì tổ chức cảnh giới cả ngày và đêm. Bác nhân viên cảnh giới khoe: “Chúng tôi cũng tự sắm cái ti vi để xem cho đỡ buồn lúc chờ tàu. Lương cũng được vài triệu…”.

Theo một cán bộ quản lý đường sắt chuyên làm về công tác an toàn, việc địa phương tham gia cảnh giới các điểm đen mất ATGT đường sắt đã góp phần tích cực vào giảm thiểu tai nạn tại các đường ngang, đường dân sinh. Tuy nhiên, việc cảnh giới bằng cần chắn như ở Nam Định vô hình trung khiến người dân hiểu lầm là điểm gác chắn chính quy của ngành Đường sắt. Trong khi đó, thao tác của người cảnh giới nhiều khi chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình gác chắn, cảnh giới. “Nên thay cần chắn bằng dây phản quang, như thế vẫn đảm bảo cảnh giới, báo cho các phương tiện dừng trước đường ngang trước khi tàu qua vừa không “bẫy” các phương tiện”, vị cán bộ này đề xuất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.