Những ngày đầu tháng 5, qua hướng dẫn của chính quyền địa phương, phóng viên tìm đến khóm 5, phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để tìm gặp vợ chồng cụ Trần Quang Thiều (95 tuổi) và cụ Trần Thị Tâm (95 tuổi, vợ cụ Thiều). Hai cụ đều trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày chiến đấu, đêm ngủ ngồi
Mặc dù, tuổi đã cao nhưng cụ Thiều vẫn còn rất minh mẫn và nhớ như in những ký ức một thời về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cụ Thiều kể, năm 18 tuổi, cụ xung phong vào đội du kích địa phương. Đến năm 1948, cụ bắt đầu đi bộ đội thuộc biên chế bộ binh Sư đoàn 3, Quân khu 3, chủ yếu làm nhiệm vụ đào hầm, chiến hào.
Khi đó, cha vừa bị địch sát hại nên "nợ nước thù nhà" đã tạo nên sức mạnh cho trung đội phó Trần Quang Thiều. Cụ quyết tâm thề sinh tử để cùng đồng đội, đồng bào đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước Việt Nam.
Trong chiến dịch 56 ngày đêm, cụ Thiều cùng đơn vị đào chiến hào, khoét núi làm đường tiến công đánh quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Địch từ trên cao trút bom đạn xuống, lực lượng của ta đào hào ngầm để giảm tổn thất.
"Ngày chiến đấu, đêm ngủ ngồi, lưng tựa vào vách giao thông hào, tay ôm thép súng bên mình. Cứ như thế, từng mét hào đã được đào và tiến sát đến hầm chỉ huy của tướng địch để đặt, kích nổ thành công gần 1 tấn thuốc nổ.
Máy bay địch quần thảo liên tục, khi quân ta bắn trả quyết liệt, chúng không thể đáp xuống nên chọn cách cho lính nhảy dù, thả đạn dược. Chúng thả xuống thì bị quân ta đánh chặn", ông Thiều kể lại.
Cụ Thiều kể tiếp: "Trong chiến dịch Điên Biên Phủ gian khổ lắm các chú ạ! Địch đánh quân ta ở nhiều đồi như: A1, A2, Him Lam… Lúc đó, bộ đội ta kéo pháo cao xạ lên đến đồi. Sau khi quan sát nắm tình hình, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định kéo pháo trở xuống, khiến quân địch trở tay không kịp".
Cũng theo ký ức của cụ Thiều, hỏa lực của địch rất mạnh, chúng đánh phá liên tục và dữ dội. Có ngày chúng ném xuống hàng trăm quả bom, bắn phá nhiều nơi. Máy bay chúng đảo liên tục, đạn pháo nổ như run chuyển một góc trời, hòng làm chùng bước của bộ đội ta. Vậy mà tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ không hề run sợ.
Mối tình thời chiến đẹp như mơ
Cụ Trần Thị Tâm khi ấy tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, vận chuyển từng gánh gạo, đạn dược trên vai từ hậu phương lên tiền tuyến (từ Hà Nam lên Điện Biên Phủ). Dân công vượt suối, băng rừng với đoạn đường hơn 500km để tiếp tế cho chiến dịch.
Mỗi một chuyến đi như vậy kéo dài nhiều tháng, không ít lần đối diện hiểm nguy. Cụ Tâm kể: "Trong một lần đang đi trên đường số 21, tôi thấy chiếc xe cóc của quân Pháp (phương tiện đi được cả trên bộ và dưới nước).
Tình thế cấp bách, tôi nhảy xuống ao bèo, nhanh chóng dìm gạo, đạn dược xuống nước để trốn. Nhưng tôi bị con đỉa to bằng ngón tay đeo cắn. Sợ dữ lắm, mà không dám la lên để tránh bị địch phát hiện, nguy hiểm đến tính mạng".
Trong một lần đi hành quân băng rừng, giữa những ngày tháng ác liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ, anh bộ đội Trần Quang Thiều và nữ dân công Trần Thị Tâm vô tình gặp nhau.
Qua mấy câu hỏi làm quen, anh bộ đội biết được cô nữ dân công vừa cùng tuổi, lại cùng thôn Thanh Nga, xã Nhân Long (nay là xã Nhân Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nên anh có lời hứa hẹn: "Sau này, nếu cả hai còn sống trở về thì sẽ tổ chức cưới".
Cô dân công thì thẹn thùng rồi nói: "Chiến tranh ác liệt, cũng chẳng biết sống chết thế nào nên tôi không dám hứa gì. Cứ chiến đấu đến ngày toàn thắng đã...".
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đến năm 1957, cụ Thiều và cụ Tâm cùng trở về địa phương. Vui mừng khi gặp lại nhau, rồi hai người được UBND xã tổ chức đám cưới tập thể cho ba cặp và cả ba chú rể đều là bộ đội.
Ngày hôn lễ, chú rể Thiều mặc bộ quân phục, còn cô dâu Tâm khoác trên người chiếc áo công nhân. Ba đám cưới diễn ra một lúc, không lễ vật, tiệc cưới chỉ có năm bao thuốc lá, một nón chè (trà) tươi!.
Đến năm 1966, cụ Thiều được gọi tái ngũ. Trong quá trình chiến đấu, cụ Thiều bị thương ở chân trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Sau đó ông được cho xuất ngũ về địa phương công tác.
Đến năm 1976, cụ Thiều được điều động về công tác tại tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) cho đến khi nghỉ hưu. Đến năm 1978, cụ Tâm và 8 người con đều vào đoàn tụ với chồng. Hiện tại, cả gia đình cụ Thiều cùng sống và làm việc tại Bạc Liêu.
Dù đã 95 tuổi, nhưng cụ Thiều vẫn luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu phải luôn liêm chính, không được tham nhũng dù là nhỏ nhặt, làm được gì có lợi cho nước, cho dân thì làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận