Đúng như tên gọi của món ăn, sợi mì dài biểu trưng cho tuổi thọ cao. Theo truyền thống, đầu bếp không được cắt sợi mì trong quá trình chế biến bởi điều này đồng nghĩa với việc tuổi thọ bị rút ngắn, mang lại vận rủi cho thực khách. Ngoài ra, cách ăn mì trường thọ đúng điệu nhất là thực khách ăn hết cả sợi mì mà không làm đứt.
Theo hãng tin CNN, nhiều trang web đưa tin món mì trường thọ bắt nguồn từ thời Hán Vũ Đế (trị vì từ 141-87 trước Công nguyên).
Một ngày nọ, Hán Vũ Đế nói với quần thần rằng ông nghe nói người nào có khuôn mặt càng dài thì càng sống lâu. Do đó, nhà vua quyết định ăn mì sợi dài vì từ mì phát âm gần giống với từ khuôn mặt trong tiếng Trung Quốc. Dần dà, tập tục này lan truyền rộng rãi trong dân chúng và được duy trì tới ngày nay.
Người dân Trung Quốc làm mì trường thọ. Ảnh - Xinhua
Hãng tin CNN đã tham vấn ý kiến của ông Zhao Rongguan, học giả Trung Quốc đã nghiên cứu văn hóa, lịch sử ẩm thực của quốc gia này trong 4 thập kỷ qua, về truyền thuyết trên. Ông Zhao cho rằng văn hóa ẩm thực mì của Trung Quốc nở rộ vào thời Hán. Đây cũng là thời kỳ đặt nền móng, kỹ thuật cho các món mì ngày nay của Trung Quốc nhưng câu chuyện món ăn này bắt nguồn từ Hán Vũ Đế có thể chỉ là một truyền thuyết.
Trong khi đó, ông Zhao cho rằng ăn mì trường thọ vẫn là phong tục phổ biến dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là tại miền bắc Trung Quốc.
“Mì trường thọ là một phần văn hóa truyền thống vào các dịp lễ tết tại Trung Quốc. Do đó, vào dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán, chúng tôi chắc chắn phải có món mì trường thọ”, ông Zhao khẳng định.
Người dân Trung Quốc ăn mì trường thọ. Ảnh - Getty
“Theo truyền thống, người Trung Quốc ăn há cảo ngày mùng 1, ăn mì ngày mùng 2 theo lịch Âm. Kế tiếp, chúng tôi lại ăn mì vào các ngày mùng 7, 17 và 27 tháng Giêng tượng trưng những ngày quan trọng dành cho trẻ em, người trưởng thành và người cao tuổi”, ông Zhao cho hay.
Theo ông Zhao, tại miền Bắc Trung Quốc, người dân địa phương vẫn duy trì cách ăn mì trường thọ theo truyền thống từ thời xưa. “Khi mì được dọn lên, các vị khách sẽ đứng lên, dùng đũa gắp mì giơ cao quá đầu, hướng sợi mì về phía miệng rồi ăn hết sợi mì với khuôn mặt mãn nguyện và hạnh phúc để thể hiện sự biết ơn trước lòng hiếu khách của gia chủ”, ông Zhao nói.
Trong khi đó, tại Hong Kong (Trung Quốc), công ty Aberdeen Yau Kee Noodles Factory đang tăng gia sản xuất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mì trường thọ trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Ông Tang Pui-sum, giám đốc thế hệ thứ 2 của công ty gia đình này cho hay nhu cầu mì trường thọ thường tăng 20-30% vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
“Tết Nguyên đán là thời điểm chúng tôi bận nhất trong năm bởi người dân đều ăn mì trường thọ trong các bữa tiệc, buổi tụ họp diễn ra vào thời gian này”, theo ông Tang.
Công nhân công ty Aberdeen Yau Kee Noodles Factory, Hong Kong sản xuất mì trường thọ phục vụ Tết Nguyên đán. Ảnh - CNN
Bên cạnh Trung Quốc, mì cũng là món ăn được ưa thích dịp Tết Nguyên đán tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Vào dịp Tết Nguyên đán, người Hàn Quốc thường ăn miến trộn japchae trong khi mì trường thọ của người Hàn có tên janchi-guksu thường xuất hiện trong tiệc cưới, tiệc sinh nhật.
Cộng đồng người Hoa tại Singapore và Malaysia cũng thường ăn món misua - một loại mì trường thọ vào dịp Tết Nguyên đán.
Người Nhật Bản cũng có truyền thống ăn mì Toshikoshi Soba vào đêm giao thừa để cầu may mắn, sung túc trong năm mới dù quốc gia này đã ăn Tết Dương lịch, bỏ Tết Nguyên đán từ năm 1873.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận