Xã hội

Một đại biểu Quốc hội tự đề xuất dự án luật về chuyển đổi giới tính

10/04/2023, 11:00

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới, đây là một sáng kiến lập pháp của cá nhân.

Vì sao cần có Luật Bản dạng giới?

Ngày 10/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã trình bày tờ trình về một sáng kiến lập pháp của cá nhân, đó là Luật Bản dạng giới.

Theo ông Trí, về khái niệm, bản dạng giới là một cảm nhận bền vững tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ.

img

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Nêu lên lý do để đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới, ông Trí đưa ra 4 luận điểm. Một là, khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo mọi người được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.

Ba là, thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội.

Bốn là, thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.

img

Toàn cảnh phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cân nhắc thời điểm trình phù hợp

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật, ông Trí lý giải, mặc dù có rất nhiều dạng giới khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ.

Theo đó, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

Luật khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính, đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này, như: Đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Có tình trạng hôn nhân độc thân; Không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền (cơ quan hộ tịch cấp huyện nơi công dân cư trú) thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.

Về quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân, Luật quy định công dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học; Điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học; Các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật và Thường trực Uỷ ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của ĐBQH trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật và nhận thấy việc ban hành luật để quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị xây dựng luật còn một số nội dung cần hoàn thiện thêm và chưa có ý kiến của Chính phủ; phạm vi điều chỉnh của dự án luật như ĐBDH đề xuất rộng hơn so với định hướng ban hành luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính; nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì nghiên cứu lập đề nghị.

Thường trực Uỷ ban Xã hội đề nghị ĐBQH nghiên cứu thu hẹp hơn phạm vi điều chỉnh của Luật và cân nhắc thời điểm trình phù hợp để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng dự án luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.