Chiều 30/4, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu quản lý đường bộ IV cho biết, từ chiều 29/4, sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được khánh thành đưa vào khai thác đến trưa 30/4 đã có 9.379 phương tiện lưu thông vào tuyến đường này.
Theo đó, chủ yếu là các phương tiện di chuyển theo hướng từ TP.HCM ra Phan Thiết. Theo nhiều tài xế cho biết sau khi có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thời gian di chuyển từ TP.HCM ra Phan Thiết đã được rút ngắn rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết gia đình quyết định đi du lịch Phan Thiết trong kỳ nghỉ lễ này một phần là cũng muốn trải nghiệm tuyến cao tốc mới.
Các phương tiện di chuyển trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
“Gia đình tôi xuất phát từ TP.HCM vào lúc 5h30 sáng, có ghé ở trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để ăn sáng sau đó đi thẳng một mạch vào cao tốc, 8h sáng là đã đến nơi, đường rất thông thoáng, không kẹt xe. Đây là một trải nghiệm thú vị với tôi và gia đình”, chị Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó anh Trần Trọng Hoàng (ngụ tỉnh Bình Thuận) cho biết trong ngày hôm qua anh có việc cần phải chạy về TP.HCM, vừa may tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng đã được thông xe nên anh đã có cơ hội được trải nghiệm cung đường này.
Theo anh Hoàng, tuyến đường chạy rất “êm” nên lộ trình được rút ngắn nhiều, chỉ cần chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khoảng 1 tiếng rưỡi là đã về tới TP.HCM, vì vậy giúp tiết kiệm nhiều thời gian cho công việc của bản thân.
Trước đó, vào sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành đưa tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết vào hoạt động chính thức. Tuyến có lộ trình dài 99 km, có điểm đầu tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, kết nối với đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Điểm cuối của tuyến tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nối tiếp với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận