Dây chuyền sản xuất gối cầu, khe co giãn hiện đại của BRC |
Hàng ngoại cho yên tâm!
Nhu cầu xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng ở một nước đang phát triển như Việt Nam là rất lớn, kéo theo ngành sản xuất vật liệu phụ trợ có cơ hội phát triển, một cây cầu đồ sộ nhìn vào chỉ thấy dầm là rõ nhất. Giữa dầm bê tông và mố, xà mũ có một miếng cao su đen nhỏ khiêm tốn nhưng không kém phần quan trọng trong nghề gọi là gối cầu. Gối được đặt giữa dầm cầu và mố cấu để nâng đỡ các dầm bê tông hoặc dầm thép.
Theo các kỹ sư của Hội Cầu đường Việt Nam, trước đây các công trình giao thông chủ yếu dùng các loại gối cầu cao su bản thép nhập khẩu, giá thành cao, loại nào giá mềm một tý thì chất lượng cũng vừa phải. Hàng trong nước đủ chuẩn thì chưa sản xuất được, đầu tư nhà máy kinh phí lớn nên doanh nghiệp ngại đầu tư lâu dài.
Trên thị trường hay dùng gối cầu cao su cốt bản thép gồm nhiều lớp cao su dày 5mm và nhiều tấm bản thép dày 2mm đặt xen kẽ và gắn chặt với nhau. Gối cầu cao su cốt bản thép được chế tạo từ cao su thiên nhiên hay cao su tổng hợp.
Gối cao su cốt bản thép |
Chức năng quan trọng của gối cầu cao su đàn hồi cốt bản thép
Gối cầu bằng thép hấp thụ năng lượng dao động của cầu thông qua nhiệt độ, trượt và quay do chuyển vị gốc. Gối cầu cao su hoạt động thông qua dạng trượt đàn hồi của cao su. Các tấm bản thép dùng trong gối cầu cao su cốt bản thép dày 2 mm là thép cacbon, kết cấu thông thường mác CT 38 (TCVN 1765 - 75) hoặc tương đương. Mặt ngoài của các tấm bản thép phải phẳng, sạch, không có các vết ăn mòn của axit hoặc muối, không được có các dung môi hòa tan cao su.
Về khả năng chịu tải, gối cầu cao su đàn hồi cốt bản thép được sử dụng trong các công trình cầu giao thông, các tải trọng theo phương thẳng đứng với gối sẽ làm cho hình dạng của gối phình ra theo hướng vuông góc với lực tác động. Để giảm thiểu hiện tượng này, bên trong gối cầu được gia cố các tấm sắt chịu lực được gắn kết với cao su. Các tấm sắt tùy thuộc vào chiều cao và tải trọng của gối cầu.
Về biến dạng ngang, khi gối cầu chịu tác động từ các lực theo phương nằm ngang, mặt ngoài của gối cầu cao su sẽ biến dạng đàn hồi trượt theo chiều cao. Và khi các lực không còn tác động lên gối cầu thì sẽ tái tạo hình dạng ban đầu, qua đó, gối cầu sẽ hấp thụ năng lượng dao động nghiêng của dầm cầu.
Về biến dạng quay, khi gối cầu chịu tác động lực cục bộ vuông góc với chiều ngang, dầm cầu sẽ dao động nghiêng tạo ra moment quay. Trong trường hợp này, gối cầu cao su sẽ biến dạng đàn hồi theo hướng chịu tác động của lực tạo ra góc quay. Gối cầu sẽ hấp thụ năng lượng dao động nghiêng của dầm cầu.
Khe co giãn |
Dùng trước, đạt tiêu chuẩn mới lấy tiền
Đầu tháng 5/2014, chúng tôi tìm đến công trình xây dựng mới cầu Kinh Điều, cầu Ba Cò và sửa chữa nâng tải cầu Phú Long - Dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã An Khánh, Phú Túc, Phú Đức, Tân Phú - huyện Châu Thành - Bến Tre. Liên danh nhà thầu xây dựng dự án này cho biết đã trình chủ đầu tư (Ban Quản lý điều hành dự án chuyên ngành GTVT) cho thí nghiệm và sử dụng gối cầu mang thương hiệu BRC sản xuất 100% tại Việt Nam. Điều đặc biệt là nhà sản xuất thương hiệu gối cầu BRC sẵn sàng bảo chứng chất lượng của mình bằng cách cho nhà thầu sử dụng trước. Khi thí nghiệm đạt các tiêu chuẩn quy định mới lấy tiền.
Cũng trong tháng 6/2014, Ban QLĐT Xây dựng công trình nâng cấp đô thị (UBND TP HCM) đã có thư gửi Tư vấn CDM chấp thuận đề nghị của Tư vấn CDM về việc đưa vào sử dụng gối cầu thương hiệu BRC cho cầu Bà Trong, cầu Bê Tông thuộc gói thầu XL15.TP4. Tuy nhiên kèm theo là các thí nghiệm phải đạt các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định.
Đầu tháng 9/2014, chúng tôi xin gặp lãnh đạo Cục QLĐB IV để tham vấn về chất lượng của gối cầu, khe co giãn bản thép của một thương hiệu mới (Công ty Cổ phần Cơ khí Cao su BRC). Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục QLĐB IV cho biết, Cục QLĐB IV đã sử dụng các sản phẩm gối cầu, khe co giãn của BRC cho công tác duy tu sửa chữa trên các tuyến quốc lộ. “Cụ thể như cầu Suối Linh, cầu Hang (QL1 Đồng Nai), cầu Vĩnh Hảo I (QL1 Bình Thuận), cầu Bến Lức (QL1 Long An), cầu Chéo, Bình Phú, Bà Đắc, An Cư, Bà Phú, An Hữu và cầu Rạch Giồng (QL1 Tiền Giang), cầu Đại Ninh (QL20 Lâm Đồng). Nhà sản xuất đã cho dùng trước, qua thời gian sử dụng trên thực tế thấy sản phẩm của BRC rất ổn định”, ông Thành cho biết.
Chúng tôi đã cất công tìm hiểu, thì được biết nhà máy sản xuất sản phẩm BRC đặt tại một Khu công nghiệp lớn tại Long An có thiết bị dây chuyền hiện đại. Ông Lê Anh Tuân, chủ của thương hiệu gối cầu, khe co giãn bản thép BRC khiêm tốn: “Tôi nhận thấy thị trường xây dựng giao thông ở Việt Nam còn tiềm năng, muốn xây dựng BRC thành một thương hiệu Việt nhưng chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập. Vì thế một số anh em trong ngành cơ khí cao su và giao thông đã tâm huyết cùng xây dựng sản phẩm gối cầu và khe co giãn thương hiệu BRC đạt chuẩn cũng là hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Anh em đã mạnh dạn đầu tư bài bản từ ISO, Quacert theo tiêu chuẩn ASSHTO (Mỹ), TCVN 22TCN 217:1994 và hiện sản phẩm đã được nhiều Ban QLDA, nhà đầu tư khắp cả nước tin dùng. Cụ thể như: dự án Đường Hồ Chí Minh - Năm Căn Đất Mũi; Dự án mở rộng QL1A; Dự án cải tạo hệ thống giao thông đô thị TP HCM - Tân Hóa Lò Gốm; Dự án Cải tạo hệ thống giao thông Phú Quốc - Kiên Giang; Dự án đường HCM - Đoạn Đông Trường Sơn và nhiều công trình thuộc dự án khác… ”.
Một mùa xuân lại đến hy vọng có thêm nhiều doanh nghiệp như BRC để đáp ứng nhu cầu sản phẩm chất lượng cao Made in Vietnam.
Minh Nghĩa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận