Trưa 18/9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, xã Phú Hồ và Phú Xuân đã chỉ đạo lực lượng phối hợp với các thôn hỗ các gia đình tiến hành sửa chữa, khắc phục kịp thời nhà cửa bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy.
Khoảng 5h30 sáng cùng ngày 18/9, trên địa bàn xã Phú Hồ và Phú Xuân, huyện Phú Vang đã xảy ra lốc xoáy làm tốc mái nhà, công trình phụ của 12 hộ dân; 1 người dân ở xã Phú Hồ bị thương nhẹ đã được sơ cấp cứu tại trạm y tế xã.
Trưa cùng ngày 18/9, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vừa có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh về công tác triển khai, ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão.
Đáng chú ý, lượng mưa đo được tại các trạm đo Vrain từ 19h ngày 17/9 đến 10h ngày 18/9 tại Thừa Thiên Huế phổ biến từ 60-140mm có nơi cao hơn như Lăng Cô, Phú Lộc 186mm, Bạch Mã 170mm, Giang Hải, Phú Lộc 155mm.
Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão trên đất liền, tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối nay 18/9 đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm.
Về thuỷ sản, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh 5.609 ha; tổng số lồng nuôi 8.312 lồng. Đến ngày 17/9, đã thu hoạch được gần 80% diện tích nuôi so với kế hoạch.
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão trên sông, đầm phá, vũng vịnh; kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định về trang bị kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện tốt công tác thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển, đầm phá, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, cấm tàu thuyền, ngư dân ra khơi khi có bão.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới; phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu…
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, để chuẩn bị cho công tác PCTT&TKCN năm 2024, trên cơ sở báo cáo của các địa phương rà soát, cập nhật chi tiết từng phương án ứng phó với bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất, nước dâng do bão.
Theo đó, phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão 16.349 hộ/52.186 khẩu. Phương án sơ tán, di dời để đối phó với lũ lụt 14.445 hộ/50.165 khẩu. Phương án sơ tán, di dời để đối phó lũ quét, sạt lở đất 3.743 hộ/13.615 khẩu. Phương án sơ tán, di dời để đối phó nước dâng do bão 13.311 hộ/41.139 khẩu.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện. Trong đó, lực lượng Bộ đội thường trực cơ động trên các hướng với quân số khoảng 750 người (các lực lượng còn lại trực phòng chống tại chỗ ở cơ quan, đơn vị); lực lượng dân quân tự vệ 7.774 người, dự bị động viên 15.364 người, ngoài ra còn có lực lượng lực lượng tự vệ cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận