Quảng Nam: Tuyến Trường Sơn Đông sạt lở, ngập lụt các tuyến đường miền núi
Chiều 7/10, tuyến đường Trường Sơn Đông, một số tuyến đường dân sinh ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông, thôn làng bị cô lập.
Sạt lở đất vùi lấp tuyến đường Trường Sơn Đông qua địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Mưa lớn trong 2 ngày nay ở Quảng Nam khiến đất đá sạt lở vùi lấp mặt đường tuyến Trường Sơn Đông qua xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My).
Trong đó, tại km72+00 tuyến Trường Sơn Đông thuộc địa phận thôn 3 (xã Trà Đốc) hơn 2.000m3 đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường.
Ngay sau khi phát hiện, đơn vị duy tu bảo dưỡng đã đặt các biển cảnh báo sạt lở và triển khai công tác khắc phục.
Từ chiều nay, Công ty Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã huy động 10 nhân công và 4 phương tiện xe múc, xe ben xử lý ngay các điểm sạt lở để đảm bảo lưu thông trở lại bình thường.
Theo Sở GTVT Quảng Nam, tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My kéo dài khoảng 60km. Tuyến đường thường xuyên hứng chịu sạt lở đất đá, nhất là vào thời điểm có mưa lớn kéo dài.
Nhiều tuyến đường dân sinh ở miền núi huyện Tây Giang bị xói lở, hư hỏng.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Hạt trưởng hạt Quản lý đường bộ Trường Sơn Đông cho biết: Để đảm bảo giao thông cho người dân qua lại tuyến đường này, chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, cử công nhân nạo vét, khơi thông các cống rãnh trên tuyến. Đối với các điểm bị sạt lở, chúng tôi nỗ lực khắc phục nhanh chóng, hạn chế thấp nhất việc chia cắt giao thông.
Ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, địa phương đã có phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro năm 2021.
Trong đó, đối với các thôn, nóc khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập khi có mưa bão, sạt lở đất, địa phương đã chủ động đảm bảo dự trữ lương thực dùng đủ trong 30 ngày trở lên.
Tại huyện Tây Giang, mưa lớn cũng diễn ra trên diện rộng, nhiều tuyến đường dân sinh bị ngập, một số thôn, làng bị nước lũ chia cắt, như: tuyến đường dân sinh vào làng Talang (xã Bhlêê) bị ngập sâu, nước lũ chia cắt, cô lập làng với trung tâm xã.
Tuyến đường vào thôn Talang xã Bhlêê bị ngập, sạt lở, chia cắt giao thông trong chiều 71/0
Theo ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, từ hôm qua (6/10) trên địa bàn vùng biên giới Tây Giang bắt đầu xuất hiện mưa to. Đến chiều tối nay, mưa lớn tiếp tục diễn ra, kéo dài khiến một số tuyến đường về các xã vùng cao đã xuất hiện ngập cục bộ gây chia cắt.
Ông Linh cho hay: Hiện nước sông A Vương dâng cao. Một số ngầm tràn qua các điểm dân cư trên tuyến đường ĐT 606 đã bị ngập. Ngoài ra, một số điểm trên tuyến đường DH qua các xã vùng cao như tại Km 41 xã Tr'Hy nguy cơ ách tắc giao thông, nhiều khu vực dân cư có khả năng bị chia cắt, cô lập nếu mưa to tiếp tục xảy ra.
Tại huyện Đông Giang, từ 13h30 chiều nay, Nhà máy thủy điện ZaHung ghi nhận mực nước hồ chứa là 452,04m, khối lượng nước về hồ là 650m3/s, lưu lượng nước qua máy 50m3/s.
Để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, duy trì mực nước hồ chứa theo quy định, 16h chiều 7/10, Nhà máy thủy điện ZaHung sẽ xả nước với lưu lượng dự kiến 600 ÷ 1.800m3/s, mục đích vận hành để đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ (cao trình 450m).
Quảng Trị: Mưa lớn gây ngập, ách tắc giao thông trên đường HCM nhánh Tây
Cụ thể, mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã khiến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ngâp cục bộ với chiều dài khoảng 20m, sâu 0,5-1m, gây ách tắc giao thông tại Km 265 và Km 268 đoạn qua địa phận xã Tà Long, huyện Đakrông.
Nước sông Thạch Hãn và sông Ái Tử dâng cao khiến tràn trên tuyến đường nối QL1 từ phía Bắc thị trấn Ái Tử về xã Triệu Giang ra QL1 ở phía Nam cầu Phước Mỹ bị ngập chiều tối 7/10
Mưa lũ cũng đã khiến cống tràn đường bản Vây, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa sạt mái taluy âm với chiều dài khoảng 9m.
Tại huyện Đakrông, tuyến đường ĐT 588a bị sạt lở Km 5+690 đoạn qua địa bàn xã Triệu Nguyên khối lượng khoảng 200m3. Tuyến đường Tân đi 1, tân đi 3 xã A Vao bị sạt lỡ khoảng 40m3. Công trình thủy lợi Kỳ Xay, xã A Ngo bị nước cuốn trôi 20m, ống nước phi 250.
Đáng chú ý, huyện Đakrông di dời tài sản của 172 hộ/1.220 khẩu (Ba Lòng 170 hộ/1.218 khẩu; A Vao 2 hộ/ 8khẩu) tại xã Ba Lòng, xã A Vao. Huyện Hướng Hóa đã di dời 25 hộ/70 khẩu tại khóm Cao Việt, Duy Tân (tuyến đường vành đai dọc sông Sê Pôn), thị trấn Lao Bảo ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, nước dâng cao gây ngập cục bộ, chia cắt giao thông một số ngầm tràn và các tuyến đường.
Tại huyện Hướng Hóa bị ngập cục bộ, chia cắt giao thông tại một số vị trí như: ngầm tràn thôn Ra Man, Xã Xy; cầu tràn thôn A Xóc, Xã Lìa; cầu tràn thôn Pa Xía đoạn qua UBND xã Hướng Lộc.
Cầu bản 10, xã Thanh; tràn Bản Cha Ly đi vào bản Cuôi, thôn Tri, xã Hướng Lập; cầu tràn Bản Giai, Bản 2, Bản 3, Úp Ly 2 xã Thuận; cầu tràn thôn Tà Rùng, xã Hướng Việt; các cầu tràn các thôn Trùm, Xa Rô, Ba Tầng, Loa, xã Ba Tầng; cầu tràn các thôn Hồ, Mới, Ra Ly-Rào, Nguồn Rào-Pin, xã Hướng Sơn.
Tại huyện Đakrông, mực nước sông lên nhanh tại các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m gây chia cắt đường vào trung tâm các xã: Ba Nang, A vao, Ba Lòng, Triệu Nguyên; chia cắt các thôn: A Đeng, Kỳ Neh, La Lay xã A Ngo, A Bung, La hót, Pi re1, Pire2 xã A Bung; thôn Ly Tôn xã Tà Long, thôn Ra Lây, Ba Nang xã Ba Nang, thôn Gia Giã xã Hướng Hiệp, thôn Tân đi 2 xã A Vao, thôn A Liêng, A Đăng xã Tà Rụt, Khu tái định cư La Tó, Húc Nghì xã Húc Nghì; thôn Làng Cát, Chân Rò xã Đakrông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận