Điều tra

Mua vật tư y tế ở Hà Tĩnh: Đấu thầu, giá vẫn gấp đôi

27/11/2018, 07:20

Mua sắm thiết bị y tế ở Hà Tĩnh xảy ra tình trạng Nhà nước phải bỏ tiền mua gấp đôi giá thị trường.

17

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị đã mua 66 thiết bị vật tư, trong đó nhiều thiết bị có giá cao hơn nhiều so với thị trường

Mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức đấu thầu tập trung được cho là loại hình mua sắm công khai, giúp tiết kiệm ngân sách, hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị y tế ở Hà Tĩnh lại xảy ra tình trạng Nhà nước phải bỏ tiền mua giá cao hơn, thậm chí gấp đôi giá thị trường.

Giá đắt hơn thị trường

Thời gian qua, PV Báo Giao thông nhận được phản ánh của bạn đọc ở Hà Tĩnh phản ánh những nghi ngờ về giá trong đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế của các cơ sở khám chữa bệnh. Cụ thể, trong số 139 thiết bị y tế tại Phụ lục 02, gói thầu TB 10/2017 có nhiều thiết bị giá cao hơn nhiều, thậm chí là gấp đôi giá bán ngoài thị trường.

Để chứng thực thông tin, PV đã chọn ngẫu nhiên 20/139 sản phẩm trong phụ lục trên để so sánh giá. Sau khi đối chiếu chủng loại, nguồn gốc… cùng một sản phẩm trên các trang bán thiết bị y tế cho thấy, có 5 sản phẩm được các công ty công khai giá trên mạng, 15 sản phẩm báo giá khi liên hệ trực tiếp.

Trong 5 sản phẩm được công khai giá, tất cả đều thấp hơp so với giá khung sản phẩm ghi trong Phụ lục 02. Thiết bị có mức chênh lệch ít nhất so với giá khung là máy hút nhớt sơ sinh Cami New Aspiret (xuất xứ Italia), thấp hơn giá khung 2 triệu đồng. Còn thiết bị có mức chênh lệch nhiều nhất là máy điện tim 6 kênh Fukuda Denshi FX 7202 (xuất xứ Nhật Bản), thị trường bán rẻ hơn tới 40 triệu đồng.

Làm rõ hơn, PV đã thông qua một số bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ An để xin báo giá chuẩn một số sản phẩm có tên trong Phụ lục 02 mới thấy kết quả còn chênh lệch nhiều hơn. Đơn cử như: Máy Monitor sản khoa Toitu MT 610 (xuất xứ Nhật Bản). Cùng Model MT- 610 của hãng Toitu, xuất xứ Nhật Bản với đầu dò thai đơn, cộng thêm đầu dò thai đôi và xe đẩy Inox sản xuất trong nước chỉ có tổng giá trị 118.450.000 đồng trong khi khung giá đấu thầu của Hà Tĩnh là 299.850.000 đồng.

“Đã thương thảo nhưng không được giảm giá”

Trước thực tế này, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, việc mua sắm thiết bị y tế đều do các cơ sở y tế tự tiến hành mua. Tuy nhiên, thực trạng này nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận, trong đó có vấn đề không đồng nhất giá. Từ năm 2017, thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh triển khai mua sắm hàng hóa theo phương thức đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên năm đầu tiên chưa triển khai được. Bước sang năm 2018, việc đấu thầu tập trung đã được triển khai và được các cơ sở đánh giá cao.

Ai sai, người đó chịu trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, tổng gói thầu mua sắm tập trung có hơn 2.000 sản phẩm, với giá kê khai ban đầu là 621 tỷ đồng. Thế nhưng sau đấu thầu, tổng giá trị giảm xuống còn 551 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại các cơ sở chỉ mới mua sắm được trên 300 danh mục sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện bất cập, ví dụ như Báo Giao thông phản ánh thì Sở sẽ yêu cầu các cơ quan bệnh viện làm báo cáo giải trình, ai sai người đó chịu trách nhiệm.

Nói về quy trình đấu giá tập trung, ông Hiếu cho biết, đầu tiên, các cơ sở y tế gửi danh sách và báo giá các thiết bị cần mua lên Sở Y tế. Sau khi tổng hợp, ngành Y tế trình lên Sở Tài chính. Sở Tài chính thuê đơn vị độc lập thẩm định giá, sau đó trình lên UBND tỉnh. Sau khi xem sét, UBND tỉnh sẽ giao Sở Y tế rà soát lại, cuối cùng mới đưa ra đấu thầu tổng hợp tất cả các mặt hàng. “Quá trình thực hiện được các bên, bao gồm cả Bảo hiểm xã hội, giám sát, kiểm tra chặt chẽ”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế tập trung khác với các cuộc đấu thầu thông thường là, đấu thầu tổng hợp, trọn gói tất cả các mặt hàng. Miễn sao, tổng giá trị sau đấu thầu thấp hơn tổng giá trị dự kiến của gói được đưa ra trước đó. Mặt khác, chủ thầu (Sở Tài chính) cũng không giữ tiền mà chỉ đấu thầu để đưa ra khung giá. Khung giá này là định mức tiêu chuẩn để các cơ sở y tế làm cơ sở đàm phán lúc mua sắm thiết bị. “Khung giá sau khi đấu thầu là khung giá tối ưu. Các cơ sở y tế căn cứ vào khung giá đó để đàm phán với đơn vị bán. Giá mua bán phải tối thiểu là ngang bằng chứ không được cao hơn khung. Sau khi mua, các cơ sở phải tổng hợp báo cáo lại Sở Tài chính”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3/2018, bệnh viện này có ký hợp đồng với Công ty CP Thiết bị công nghệ Hà Nội (có trụ sở ở Hà Nội) mua sắm 66 thiết bị vật tư theo Phụ lục số 02, gói thầu TB 10/2017 với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều sản phẩm mua đúng khung nhưng vẫn cao hơn giá thị trường, cá biệt có trường hợp 2 máy Monitor sản khoa Toitu MT 610, bệnh viện này mua giá kịch khung, đắt gấp đôi so với giá thị trường.

Lý giải về vấn đề này, ông Trần Nguyên Ngọc, Trưởng phòng Vật tư kỹ thuật và ông Phạm Chí Công, Trưởng phòng Tài chính kế toán bệnh viện, cho biết: Quá trình ký hợp đồng, bệnh viện cũng thương thảo, đàm phán giảm giá nhưng không được đơn vị trúng thầu giảm giá. Vì vậy, bệnh viện buộc phải mua đúng bằng giá khung của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính công Hà Tĩnh đưa ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.