Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhận định, mức thu phí đường bộ tại Việt Nam tính trên 1 km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á. |
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khi trao đổi với Báo Giao thông và các cơ quan báo chí bên lề Hội nghị sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2016 vừa qua. Theo Thứ trưởng Trường, mức phí qua trạm ở Việt Nam hiện khá hợp lý và thấp nhất khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện trên nhiều tuyến đường đang dày đặc trạm thu phí BOT. Thứ trưởng có thể cho biết tình hình cụ thể và lộ trình tăng phí như thế nào?
Hiện nay, trên một tuyến đường, trạm thu phí được đặt cơ bản cách nhau 70 km, một số nơi là 60 - 70 km là do không có vị trí hợp lý để đặt trạm, nếu đặt lại rơi vào đô thị.
Tại TP HCM hay một số địa phương, Bộ GTVT đã thực hiện triệt để và đã tiến hành di dời một số trạm để phù hợp với quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để việc đặt trạm thu phí phù hợp hơn.Về lộ trình tăng phí BOT, trong quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính đã duyệt phương án tài chính, có lộ trình tăng phí theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên. Các dự án này có quá trình chuẩn bị kỹ, có lộ trình rõ ràng.
Trong quá trình xây dựng trạm thu phí giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm sẽ xem xét tăng phí, nay đã đến giai đoạn các trạm tiến hành tăng phí theo lộ trình. Theo lộ trình cứ 3 năm một sẽ tính việc điều chỉnh phí theo mức độ trượt giá. Nên việc tăng giảm phí được điều chỉnh theo CPI bình quân của 3 năm. Giai đoạn từ năm 2010-2013, gần như không tăng, thậm chí năm 2010 có những trạm chỉ duy trì mức 10.000 đồng/lượt, sau đó phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường, rất công bằng. Thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc VN (VEC) đề xuất tăng phí tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình nhưng Bộ đã có văn bản chỉ đạo từ nay tới 30/6 chưa tăng phí, đề nghị tạm thời chưa thực hiện.
Thưa Thứ trưởng, vậy Bộ GTVT có tính đến việc mua lại trạm BOT hay không?
Hiện nay, ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên phải kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhà nước sẽ thông qua thu phí của người dân để hoàn trả vốn đầu tư của doanh nghiệp. Nếu có tiền thì Nhà nước đầu tư luôn, chứ không mua lại làm gì. Xây dựng trạm thu phí là để dùng nguồn vốn xã hội đầu tư một lần, thu lại và hoàn vốn trong nhiều năm.
Trên thế giới cũng có một số nước đặt vấn đề mua lại các trạm thu phí nhưng đó là khi nền kinh tế phát triển, mức thu nhập trên đầu người đạt ngưỡng 15.000 USD/người/năm trở lên, còn Việt Nam hiện mới hơn 2.100 USD thì việc này rất khó.
Đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng mức thu phí tại Việt Nam tính trên 1 km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chẳng hạn mức tính phí trên 1 km đường đầu tư bằng hình thức BOT tại Trung Quốc khoảng 1 Nhân dân tệ/km (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km (tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/km), còn tại Việt Nam mức trần mới là 2.000 đồng/km. Tuy nhiên, trước yêu cầu giảm phí hiện nay, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Hiện, Bộ GTVT đang làm việc với Bộ Tài chính cũng như các nhà đầu tư để đưa ra một lộ trình thu phí phù hợp hơn trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận