Hạ tầng

Mức phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ nằm trong khung quy định

13/05/2015, 07:21

Theo hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, tổng mức đầu tư (TMĐT)của dự án là 6.731 tỷ đồng.

91
Dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi nâng cấp hoàn thành giai đoạn 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, như các tuyến đường cao tốc khác

Chiều qua (12/5), trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long khẳng định, mức phí được áp dụng tại tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ phù hợp với những quy định của Bộ Tài chính đã ban hành và các điều kiện trong hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư.

Nhiều ưu điểm khi lựa chọn nhà đầu tư trong nước

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, đầu năm 2012, TEDI đã tiến hành lập báo cáo nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với chiều dài khoảng 30 km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một số điều kiện ràng buộc về mặt pháp lý, đến ngày 25/1/2013, Bộ GTVT đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ VEC sang Ban QLDA Thăng Long để triển khai dự án. Đầu năm 2013, trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (Nexco Central) thực hiện để đáp ứng tính cấp thiết của dự án tại Văn bản số 404 ngày 18/3/2013.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, trên cơ sở ý kiến của Nexco Central, Bộ GTVT đã lập báo cáo cho triển khai dự án làm hai giai đoạn, tiến hành thu phí ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 8012 ngày 24/9/2013. Khi đó, dự án dự kiến sẽ được Nexco Central triển khai giai đoạn 1 nâng cấp tuyến đường cũ thành đường cao tốc với quy mô bốn làn xe cơ giới, hai làn dừng xe khẩn cấp. Giai đoạn 2, dự án được đầu tư mở rộng thêm hai làn xe cơ giới và hoàn thiện đường gom hai bên.

Tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 1.957 tỷ đồng; giai đoạn 2 khoảng 6.520 tỷ đồng. Về mặt tiến độ, giai đoạn 1 sẽ triển khai trong quý IV/2013, hoàn thành năm 2015, còn giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 24,5 năm.

“Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu tính toán, Nexco Central đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ toàn bộ chi phí GPMB và không ràng buộc các điều kiện về pháp lý cho việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án. Đề nghị này đã không được chấp thuận do không phù hợp với các tiêu chí của dự án”, ông Bình nói và cho biết, đến ngày 22/11/2013, ông Kuniaki Nakamura, Giám đốc Văn phòng dự án đường cao tốc Việt Nam đã có thư thông báo, đơn vị này quyết định không tiếp tục tham gia dự án.

Sau khi nhà đầu tư Nhật Bản không tham gia, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư trong nước để triển khai. Sau khi xem xét, liên danh CIENCO1 - Minh Phát - Phương Thành đã được lựa chọn làm nhà đầu tư do đáp ứng yêu cầu đề ra. “Việc lựa chọn phương án nhà đầu tư trong nước có nhiều ưu điểm về mặt tiến độ, kinh phí và đặc biệt không phải bố trí vốn ngân sách cho công tác GPMB bởi nhà đầu tư tự thu xếp để thực hiện”, ông Bình đánh giá.

Không có chuyện doanh nghiệp hoàn vốn xong là bỏ của chạy lấy người

Theo hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, tổng mức đầu tư (TMĐT)của dự án là 6.731 tỷ đồng (giảm trên 1.700 tỷ đồng) và thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 3 tháng (giảm gần 7 năm) so với đề xuất trước đó của Nexco Central. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án có TMĐT 1.974 tỷ đồng với mục tiêu nâng cấp, cải tạo 30 km, bao gồm bốn làn xe với bề rộng mặt đường 25 m. Trong khi đó, TMĐT giai đoạn 2 của dự án là mở rộng thêm hai làn xe với bề rộng 8,5 m.

“Gần đây, một số ý kiến trong dư luận cho rằng, chi phí nâng cấp cải tạo 1km đường xấp xỉ 70 tỷ đồng, bằng hơn nửa so với giá thành đầu tư mới 1 km đường của dự án là quá cao. Tôi cho rằng, việc so sánh như vậy là khập khiễng và thiếu căn cứ, bởi cũng với 1 km chiều dài nhưng bề rộng mặt đường phải nâng cấp là 25 m, trong khi đó, bề rộng mặt đường làm mới chỉ có 8,5 m”, ông Bình nhận định.

Liên quan đến mức phí của dự án, chiều 12/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Tuấn Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (đại diện nhà đầu tư) khẳng định, mức phí của tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn toàn nằm trong khung quy định và phù hợp với thực tế. Theo ông Hưng, việc xây dựng các mức phí của tuyến đường căn cứ vào nhiều yếu tố như: Tổng mức đầu tư lưu lượng phương tiện, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay lãi vay, trượt giá, chi phí duy tu bảo trì… Trước khi Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính cũng đã có sự tham khảo, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư và UBND TP Hà Nội. Vì thế có thể nói, mức phí và thời gian thu phí của dự án là phù hợp, có đủ cơ sở pháp lý và được thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Bình cũng khẳng định: “Mức thu phí của dự án đã được tính toán chặt chẽ và nằm trong các quy định cho phép của pháp luật. Trong thời gian thu phí, nhà đầu tư phải tiến hành công tác duy tu, bảo trì tuyến đường theo các điều khoản trong hợp đồng, kể cả khi bàn giao công trình cho Nhà nước cũng có các điều kiện ràng buộc khắt khe chứ không thể có chuyện doanh nghiệp hoàn vốn xong là bỏ của chạy lấy người”. 

* Hôm qua (12/5), Bộ GTVT có thông tin về việc thu phí trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo Bộ GTVT, Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam, kết nối TP Hà Nội với các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận và là một phần của QL1, trùng với đường cao tốc Bắc - Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ được hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2018. Dự án sau khi nâng cấp hoàn thành giai đoạn 1 sẽ áp dụng hình thức thu phí kín, như các tuyến đường cao tốc khác tại Việt Nam. Mức phí áp dụng là 1.500 đồng/Km/PCU, mức phí trên được tính toán theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của dự án. Mức thu phí của dự án này tương tự như một số dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai… Mức phí này được tính toán và áp dụng cho cả giai đoạn 2 sau khi hoàn chỉnh 6 làn xe.

Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu thu phí từ tháng 7/2015 sau khi được sự cho phép của Cơ quan thẩm quyền, kể từ ngày hoàn thành thi công giai đoạn 1 (phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8012/VPCP-KTN ngày 24/9/2013).

TM-Đ.Q

* Ngày 7/4/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 45 quy định về mức phí của tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với từng đoạn tuyến và từng loại xe như sau: Đoạn tuyến có mức phí thấp nhất là Vạn Điểm - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 10.000 đồng/lượt (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng); đoạn tuyến có mức thu phí cao nhất là Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại là 180.000 đồng/lượt (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit). Theo quy định hiện hành, Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính nêu rõ, khung thu phí đường bộ dao động từ 15-200 nghìn đồng/vé lượt tùy phương tiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.