Y tế

​​​​​​​Mũi chảy mủ, mắt trợn ngược vì... làm mẫu thẩm mỹ

25/04/2021, 06:50

Với chi phí siêu rẻ, thậm chí miễn phí, không ít bạn trẻ gặp tai biến sau khi nhận lời làm mẫu xăm môi, mày, cắt mí, nâng mũi đến hút mỡ…

img

Nhan nhản lời mời tuyển mẫu thẩm mỹ

Trả giá đắt khi làm mẫu thẩm mỹ

Vốn dĩ có khuôn mặt ưa nhìn, chỉ có đôi mắt mí ẩn bị “chê” chưa đẹp, chị T.L (26 tuổi, Bắc Ninh) đã liều mình nghe lời bạn rủ đi làm mẫu cắt mí tại một spa ở TP Bắc Ninh với lời hứa “đảm bảo đẹp, do bác sĩ thực hiện, lại chỉ mất phụ phí tí ti”.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện cắt mí, một bên mí của chị L. do chính chủ spa làm, bên kia lại do học viên “thực hành”… và cái kết “mỗi bên 1 vẻ”.

Mặc dù chủ spa khẳng định chắc nịch “hết sưng sẽ đẹp”, nhưng sau 1 tháng chị L. đành quay lại đây để được chỉnh sửa song cũng không khả quan hơn.

“Từ 1 đứa mắt có đến nỗi nào đâu mà giờ đi đâu cũng phải đeo kính, mắt trợn ngược lên. Mấy tháng sau mình qua sửa lại thì chủ spa bảo sẽ nhấn chứ không cắt nữa. Và cũng chẳng có gì thay đổi, ngược lại mình được… thêm sẹo và 1 đống chỉ đen ở đầu mắt. Kết quả mà mình nhận được là từ “lợn lành thành lợn què”, tiền mất tật mang”, chị L. chia sẻ.

Tương tự là trường hợp của chị P.B (20 tuổi, sinh viên) trong một lần lướt Facebook đã đọc được thông tin tuyển mẫu phẫu thuật nâng mũi, cắt mí của 1 cơ sở thẩm mỹ viện ở Linh Đàm, Hà Nội với mức phí “ưu đãi” chỉ khoảng 3 triệu đồng cùng bảo hành trọn đời.

“Tới thời điểm làm, chủ cơ sở liên tục 2 lần bỏ dở để đi lấy hàng ship mất hơn 20 phút. Trong khi mũi em thì đang phanh ra phơi đèn, học viên đứng xung quanh nhưng đâu biết làm gì. Rốt cuộc đầu mũi em tím bầm. Trước khi về, chủ cơ sở có dặn em vệ sinh và uống thuốc, em tuân thủ nghiêm ngặt, thậm chí nằm kiêng như bà đẻ luôn. Nhưng tới ngày thứ 2, em bắt đầu sốt và thấy đau ngứa ở mũi. Tới ngày thứ 4, cả khuôn mặt sưng lên tận trán, mũi nhỏ giọt mủ rất nhiều và liên tục, em mới vội nhập viện”, chị B. chia sẻ.

Tại bệnh viện, các bác sĩ buộc thực hiện ngay tháo sụn, cắt đi trụ mũi giữa của chị B. vì đã bắt đầu hoại tử… “Nguyên nhân chính là do dụng cụ không được vệ sinh, kỹ thuật thực hiện cũng chưa đúng. Suốt một thời gian dài, em phải thăm khám, kiểm tra và dùng kháng sinh nặng”, chị B. tâm sự.

Các trường hợp như chị T.L hay P.B không phải là hiếm. Hầu hết bắt nguồn từ nhu cầu muốn làm đẹp nhưng ham rẻ mà đã trả giá quá đắt. Phần lớn sau khi xảy ra tai biến đều âm thầm chịu đựng tự tìm đến cơ sở y tế để khắc phục.

Nhan nhản tuyển mẫu và hệ lụy khó lường

Theo ghi nhận, trên các trang như Hội mẫu make up - spa…, Hội tuyển mẫu xăm - tiêm - phẫu thuật thẩm mỹ… đăng nhan nhản lời mời gọi hấp dẫn: “Tuyển mẫu tiêm filler các vùng đẹp ngay, không cần nghỉ dưỡng; nhấn mí miễn phí, nâng mũi cấu trúc phụ phí thấp, do bác sỹ làm dạy học viên… bảo hành như với khách”.

Thực tế, chưa có quy định nào cụ thể về tuyển mẫu, mà chỉ là thỏa thuận giữa hai bên - sử dụng hình ảnh, thực hành làm mẫu… Tuy nhiên, việc tuyển mẫu ở cơ sở y tế công lập thường được ký kết văn bản với phiếu đồng thuận cùng các nội dung rõ ràng như đảm bảo làm đẹp không biến chứng và an toàn cho mẫu, kiểm soát kỹ lưỡng. Ngược lại, tại các cơ sở khác, thậm chí chỉ thỏa thuận bằng miệng, chính vì vậy khách hàng xảy ra biến chứng không có cơ sở để pháp luật xử lý, khó đòi lại quyền lợi, thường phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
BS. Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Khá dễ dàng nhận thấy đây đều là các cơ sở thẩm mỹ “chui” nhưng lại tìm mẫu một cách công khai. Điều đáng nói, họ đánh trúng thị hiếu “nhu cầu làm đẹp… nhưng miễn phí hoặc chỉ mất phụ phí rất ít dụng cụ, vật liệu nên không ít người vẫn chấp nhận làm mẫu.

Trở lại trường hợp chị T.L, sau khi thẩm mỹ “lỗi”, quay lại bắt đền, chị L. “ngậm quả đắng” khi nhận được câu trả lời từ chủ cơ sở tuyển mẫu: “Tôi tuyển mẫu là cho học viên làm nên rủi ro là điều khó tránh khỏi bạn ạ. Nên giá làm mẫu cũng rẻ hơn so với giá dịch vụ tôi làm cho khách. Học viên làm cho bạn hỏng tôi cũng đã cố gắng khắc phục lỗi hết mức có thể, vẫn bảo hành cho bạn như khách đó thôi”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Ths. BS. Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định: “Mục đích của tuyển mẫu là để quảng bá hình ảnh và để thực hiện đào tạo chuyển giao công nghệ. Đây là hoạt động đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, đáng nói nhiều nơi chỉ là các spa, cơ sở thẩm mỹ ngoài nâng cao thương hiệu còn lôi kéo bệnh nhân theo kiểu “miễn phí cái này rồi lôi kéo làm cái khác” hoặc dựa vào bệnh nhân để thực hành nâng cao tay nghề… Điều này chất chứa nhiều nguy cơ tai biến cho bệnh nhân bởi đây đều là các cơ sở không giấy phép, không chuyên môn, cơ sở vật chất không đảm bảo vô trùng để thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ xâm lấn”.

Cũng quan điểm, BSCK II. Nguyễn Quang Minh, Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng: “Đa số lời mời tuyển mẫu rất hấp dẫn, do bác sĩ có tay nghề thực hiện…

Phần lớn đối tượng chấp nhận làm mẫu là học sinh, sinh viên, những người muốn làm đẹp nhưng chi phí thấp, chỉ một phần nhỏ tiền công vật liệu. Thậm chí, họ biết rõ đó là các cơ sở thẩm mỹ “chui” vì không bác sĩ nào lại làm chủ spa cả nhưng vẫn “liều mình chấp nhận”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.