Xã hội

Muốn nâng hiệu quả hoạt động QH phải tăng chuyên trách

04/06/2014, 06:55

Theo ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), muốn ĐBQH chuyên trách và cả không chuyên trách làm việc tốt thì chất lượng của bộ phận giúp việc phải được nâng lên và làm rõ nội dung ...

Các đại biểu trao đổi bên lề hành lang Quốc hội chiều 3/6
Các đại biểu trao đổi bên lề hành lang Quốc hội chiều 3/6

Sáng 3/6, thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), ĐB Trịnh Xuyên (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, càng nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thì càng tốt. "Như tôi đang phải gánh hai vai, nhưng vai chính vẫn là Giám đốc CA tỉnh. Nhiều khi không thể tham gia hết kỳ họp, không tham gia giám sát đầy đủ và khi thảo luận, xây dựng luật, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng" - ông Xuyên nói. 


Cũng đề cập đến vấn đề ĐBQH kiêm nhiệm, theo ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), quy định dành tối thiểu 1/3 thời gian để làm nhiệm vụ của ĐBQH là thế nhưng "cơ sở nào để đánh giá anh hoàn thành 1/3 công việc. Muốn ĐBQH chuyên trách và cả không chuyên trách làm việc tốt thì chất lượng của bộ phận giúp việc phải được nâng lên" - ông Nhiên nói và đề nghị làm rõ nội dung, tính chất công việc của ĐBQH, từ đó mới có cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. 


Trong khi đó, ĐB Lê Đông Phong (TP HCM) tán thành quy định về chức năng nhiệm vụ của ĐBQH như trong dự thảo luật theo hướng mở rộng quyền của ĐBQH tham gia hội đồng, các Ủy ban của QH, tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 35% và “nếu được đến 40% thì càng tốt”. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, số ĐBQH chuyên trách không nên tập trung quá nhiều ở Trung ương mà cần nâng số ĐBQH chuyên trách ở các địa phương. 


Đề cập đến yêu cầu chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của ĐBQH, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng, những cơ sở để tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 35% là chưa rõ. Mặt khác, cơ chế hoạt động hiện nay của ĐBQH chuyên trách mang nặng tính hành chính và công chức, khiến cho họ dễ xa rời thực tiễn và không phát huy được tư duy độc lập của mình. "Thậm chí, có người coi vị trí đại biểu chuyên trách chỉ như một bước đệm để thăng quan tiến chức”, ông Đương nói và đề nghị ngoài tiêu chuẩn chung, các ĐBQH chuyên trách còn phải đáp ứng được một số tiêu chí cụ thể khác, như: Họ phải thực sự là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của mình; phát huy được vai trò tích cực trong xây dựng pháp luật và giám sát...


"Việc giám sát hiện nay chỉ theo chiều rộng mà không sâu, nên tác động của giám sát còn yếu, chính là do QH thiếu các chuyên gia thực sự hiểu việc tham gia giám sát. Nếu tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách mà không tính kỹ tiêu chuẩn thì kết quả có thể chỉ là làm phình to bộ máy của QH ở Trung ương", đại biểu TP HCM nhấn mạnh.

Minh Thành

 

Có nên lập TAND sơ thẩm khu vực?

 

Đó là câu hỏi của ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chiều 3/6. Theo ông Hùng, cần giải trình rõ một loạt vấn đề: Đó là việc lập TAND sơ thẩm khu vực có làm tăng thêm biên chế hay không? Nếu thành lập thì ngân sách phải đầu tư bao nhiêu? Nguồn lực như thế nào? Việc thành lập tòa án khu vực có khẳng định được hoạt động sẽ tốt hơn và nâng cao được chất lượng bản án hay không? Vấn đề giám sát cơ quan dân cử địa phương như thế nào?... Ông Hùng đề nghị, trước hết nên thí điểm mô hình này, sau đó tổng kết rồi mới đưa vào trong luật.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.