“Sài Gòn thời giãn cách” là bộ tranh của họa sĩ Lê Sa Long gây ấn tượng không chỉ bởi những nét vẽ có hồn. Các bức tranh của anh còn phản ánh muôn mặt Sài Gòn, những cảm xúc của từng thành phần trong xã hội thời dịch bệnh.
Bộ đội vận chuyển hàng hóa trên chiếc xe thồ lên tranh
Tâm sự với Báo Giao thông, họa sĩ Lê Sa Long khẳng định, Sài Gòn giống như quê hương thứ 2 của anh. Bởi thế, khi Sài Gòn có biến cố khiến tôi nhiều tâm trạng, cảm xúc. Anh dùng ngòi bút, những đường nét vẽ và màu sắc để khắc họa, thể hiện những cảm xúc đó.
Đối với anh, một họa sĩ chuyên nghiệp là dù vẽ đề tài nào cũng phải thể hiện cái tôi, cảm xúc của mình, phản ánh đời sống xã hội. Mỗi bức vẽ là một đứa con tinh thần, được anh dồn tâm huyết để thực hiện.
Tranh "Các lực lượng tham gia đẩy lùi dịch bệnh"
Bộ tranh “Sài Gòn thời giãn cách” có đa sắc thái, đa nhân vật, từ phong cảnh đường phố Sài Gòn mùa dịch, những đóa hoa huỳnh liên vẫn nở rộ ở sân ga, có cả người dân nghèo lượm ve chai buồn bã vì không biết làm gì để có tiền sinh sống. Anh cũng vẽ cả những người ở tuyến đầu chống dịch, có cô y tá xuống tóc chuẩn bị vào tâm dịch, những người bộ đội, tình nguyện viên hỗ trợ phòng chống dịch…
Hiện tại, bộ tranh đã được 60 bức và họa sĩ Lê Sa Long vẫn đang tiếp tục vẽ. Anh cho biết, hơn nửa trong đó là tranh ký họa hoặc ký họa sâu. Một số bức đã thành tranh như tranh phong cảnh, chân dung.
Họa sĩ Lê Sa Long
Tuy nhiên, có hai bức anh đặc biệt ấn tượng và hai bức này đã được người ngước ngoài mua. Đó là bức “Ngủ ngon Akay ơi” vẽ về em bé 9 tháng tuổi trên chuyến xe từ Sài Gòn về Nghệ An, “chạy trốn” khỏi vùng dịch. Họa sĩ mất 2 ngày để vẽ bức tranh này và vẽ xong, anh kiệt sức.
“Sự mất mát của dân tộc, nỗi bất lực và muốn hồi hương của những người lao động nghèo ở TP. HCM khiến tôi rất xúc động. Tôi cũng đã trích một khoản từ số tiền bán bức tranh chuyển tặng cho “người mẫu” 9 tháng tuổi đó”, anh tâm sự.
Bức tranh "Ngủ ngon Akay ơi" đã được người nước ngoài mua lại
Một bức tranh khác là “Đón ngoại về nhà”. Bức tranh chạm tới trái tim khi anh vẽ về sự sống – chết. “Ở Việt Nam, người ta ngại vẽ về cái chết nhưng ở nước ngoài vẽ rất bình thường, bởi đó là một mặt của cuộc sống.
Tôi phản ánh cái chết trong bệnh dịch nhưng cố để không bi thương. Bởi tôi thấy, việc nhà nước đưa hũ tro cốt của người qua đời về cho người nhà là việc làm nhân văn”, họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.
Tranh "Đón ngoại về nhà" chạm tới trái tim nhiều người
Đặc biệt, vị họa sĩ tiết lộ, đã có người sưu tầm tranh ở nước ngoài muốn mua cả bộ tranh của anh để làm một bảo tàng nhỏ. Cũng có những điều đặc biệt khi người đang vẽ tranh ở tâm dịch, cũng là người đang phải tự cách ly và vẽ về dịch bệnh.
Tuy nhiên, anh muốn giữ lại vì muốn lưu lại để sau này thế hệ sau được xem lại, thấy được một thời Việt Nam đã trải qua dịch bệnh như thế nào.
Một số bức vẽ trong bộ tranh "Sài Gòn thời giãn cách" của họa sĩ Lê Sa Long:
Tranh "Bác sĩ trẻ Sài Gòn "xuống tóc" trước khi vào tuyến đầu Bắc Giang". Tranh vẽ chân dung bác sĩ Đặng Văn Hiệu - Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh trước khi lên đường hỗ trợ Bắc Giang chống dịch
"Người đàn bà và con chó nhỏ" gây chạnh lòng hình ảnh người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn khi dịch bệnh ập tới. Chỉ có chú chó nhỏ tung tăng cạnh bà.
Cửa hàng 0 đồng cho người nghèo - một nét đẹp nhân ái người Sài Gòn
Những cái rổ trống lốc, nón lá lật ngửa ở Quận 4 chờ thiện nguyện
Những trái mướp, trái bí... được bà con Quảng Trị gói ghém cẩn thận để chuyển vào ủng hộ Sài Gòn
Vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch
Giữa một Sài Gòn không khí ngột ngạt, những bông hoa huỳnh liên vẫn nở rộ ngọt ngào
Nhận quà Trung thu thời Covid-19. Các bộ đội Sư 5 tặng lồng đènTrung thu do đơn vị tự làm cho các em xóm lao động nghèo TP. HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận