Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) đã cam kết một khoản tiền ban đầu trị giá 3,9 triệu USD cho các hoạt động về Covid-19 của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam để hỗ trợ công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó, bao gồm cả một số hoạt động trong khu vực.
Những nguồn lực ban đầu này đang được sử dụng cho công tác xét nghiệm, điều tra thực địa, giám sát, phân tích dữ liệu và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo phía Mỹ, hợp tác y tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là nền tảng cho sự hợp tác song phương giữa hai nước kể từ năm 1998 khi CDC Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để thiết lập các hệ thống y tế bền vững, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; tăng cường năng lực y tế công cộng dài hạn và bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam và người dân Hoa Kỳ.
Với sự hợp tác lâu dài này với CDC Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với Covid-19. CDC Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực trong bốn lĩnh vực thiết yếu gồm:
Các hệ thống giám sát để nhanh chóng đón đầu các ổ dịch trước khi lan rộng; Mạng lưới phòng xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh và xác định mầm bệnh mới; Nâng cao năng lực của nhân viên y tế tuyến đầu để xác định, truy dấu và ngăn chặn các ổ dịch tại nguồn dịch và Các Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp để điều phối hiệu quả các nỗ lực ứng phó khi xảy ra nguy cơ.
Từ tháng 1/2020, CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. Bao gồm: Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các hoạt động đáp ứng khẩn cấp, vận chuyển mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, giám sát dịch bệnh, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) và truyền thông về nguy cơ.
Làm việc cùng với Bộ Y Tế của Việt Nam, các cán bộ dịch tễ học đã được đào tạo để tiến hành điều tra ổ dịch nhằm thu thập, phân tích và phiên giải dữ liệu và góp phần vào việc đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng.
Thực hiện các khóa đào tạo về KSNK, truy dấu người tiếp xúc, và xét nghiệm và đảm bảo chất lượng.
Xây dựng các hướng dẫn và quy trình quốc gia, cùng với Bộ Y tế trong các lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cơ sở y tế, giám sát, xét nghiệm và duy trì điều trị HIV trong bối cảnh dịch Covid-19.
Mục tiêu của ứng phó y tế toàn cầu của CDC Hoa Kỳ đối với Covid-19 là hạn chế lây truyền từ người sang người và giảm thiểu tác động toàn cầu của Covid-19 thông qua hợp tác với các quốc gia chủ chốt và các đối tác phi chính phủ để giảm thiểu tình trạng tổn thương và các lỗ hổng trong chuẩn bị.
Quốc hội Mỹ đã thông qua trong Luật phân bổ Ngân sách Bổ sung cho chuẩn bị và ứng phó với Coronavirus với 300 triệu USD đã được cấp cho các hoạt động ứng phó trên toàn cầu của CDC Hoa Kỳ đối với Covid-19. Khoản cấp vốn này nhằm tăng cường hơn nữa các khoản đầu tư lâu dài trên toàn cầu của CDC Hoa Kỳ cho kiểm soát HIV, lao và sốt rét, loại trừ bệnh bại liệt và chuẩn bị cho dịch cúm và các bệnh dịch khác. Các khoản đầu tư của CDC Hoa Kỳ để cải thiện an ninh y tế đã đặt nền móng để chuẩn bị nhanh chóng và hiệu quả cho các nguy cơ mới nổi, bao gồm cả việc bùng phát virus Corona hiện nay. Khoản tài trợ của CDC Hoa Kỳ cho chuẩn bị và ứng phó với COVID-19 trên thế giới đang hỗ trợ các hoạt động trong 6 lĩnh vực kỹ thuật ưu tiên trên toàn cầu: Ứng phó khẩn cấp; Phòng xét nghiệm, giám sát và dịch tễ học; Kiểm soát Y tế biên giới; Kiểm soát Nhiễm khuẩn và Chuẩn bị tại các Cơ sở y tế; Lập kế hoạch chuẩn bị phòng chống đại dịch; và Chuẩn bị vắc-xin. Những nỗ lực xuyên suốt về các vấn đề kỹ thuật này rất cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận