Trước đó, Trung Quốc đã nhập hơn 1 triệu thùng dầu Iran trong tháng 6, mặc dù thực tế là Mỹ đã không kéo dài thời gian ân hạn, theo đó các nước có thể mua dầu Iran mà không sợ bị Mỹ trừng phạt.
Nhà Trắng tin rằng các hành động của Trung Quốc đang làm suy yếu áp lực mạnh lên Iran. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hợp tác của nước này với Iran là hợp pháp và Bắc Kinh phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán ngoài lãnh thổ nào đối với các doanh nghiệp của họ.
Tháng 6/2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran và tuyên bố khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.
Lệnh cấm vận này hoàn toàn được áp dụng đối với việc xuất khẩu và tất cả các giao dịch dầu mỏ từ Iran. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đối với Iran - có trữ lượng dầu lớn thứ ba trên thế giới, đây là một đòn nặng nề.
Theo giới quan sát, trong giai đoạn 2018 - 2019, 2/3 tổng mức tăng GDP của Iran là do ngành khai thác dầu mỏ tạo ra.
Rõ ràng là trong điều kiện như vậy, Iran sẽ làm hết sức mình để tìm khách mua dầu, như đã từng xảy ra trong những năm trước đây dưới lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hoa Kỳ bắt đầu đe dọa các quốc gia khác bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu họ tiếp tục mua dầu Iran. Một số đồng minh Hoa Kỳ đã ngừng các thương vụ. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng sẽ không từ bỏ dầu mỏ Iran.
Như ấn bản Politico của Mỹ ghi nhận, vào tháng 6, một tàu hàng chứa 1 triệu thùng dầu Iran, đã cập cảng Thanh Đảo. Một nguồn cung khác gần 2 triệu thùng được chuyển qua cảng Thiên Tân.
Những chính khách diều hâu trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, vì các hành động của Trung Quốc làm suy yếu mọi nỗ lực của người Mỹ gây áp lực tối đa đối với Iran.
Nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, điều này sẽ làm phức tạp quá trình đàm phán thương mại, vốn đã khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào tháng 5, sau 11 vòng, cuộc đàm phán đã kết thúc thất bại.
Chỉ sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo hai nước ở Osaka, mới có thể đạt được thỏa thuận nối lại cuộc thương thảo. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả thời điểm diễn ra cuộc họp mới của các nhà đàm phán từ hai nước vẫn chưa được xác định. T
Trong bối cảnh này, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể để cho Mỹ dẫn dắt. Các cuộc thảo luận vốn đã phức tạp, sẽ không nêu ra vấn đề Iran mà sẽ là một điều gì đó khác, giới chuyên gia cảnh báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận