Theo thông báo, Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) cho biết, Bộ phận Bảo vệ người tiêu dùng hàng không thuộc cơ quan này đang điều tra Delta Air Lines sau khi các chuyến bay của hãng tiếp tục bị gián đoạn trên diện rộng và ghi nhận nhiều báo cáo về lỗi liên quan đến dịch vụ khách hàng.
"Bộ Giao thông vận tải Mỹ sẽ mở rộng quy mô điều tra và sử dụng quyền thực thi pháp luật để đảm bảo quyền cho hành khách của hãng hàng không Delta", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Mỹ cho biết.
Về phần mình, hãng hàng không Mỹ cho hay, đã nhận được thông báo điều tra từ Bộ Giao thông vận tải và hoàn toàn hợp tác.
"Delta đang làm việc hết sức để quan tâm và đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng bị ảnh hưởng vì hoãn, hủy chuyến đồng thời nỗ lực khôi phục dịch vụ kịp thời", theo thông báo từ Delta Air Lines.
Cuối tuần trước, một bản vá phần mềm của Crowdstrike đã bị lỗi dẫn đến tình trạng ngừng hoạt động Internet toàn cầu, ảnh hưởng đến một loạt các hãng hàng không và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Trong đó, Delta Air Lines - một trong ba hãng bay hàng đầu nước Mỹ - có số lượng chuyến bay bị hủy nghiêm trọng.
Hãng này đã hủy khoảng 1.200 chuyến bay trong các ngày từ 19 - 20/7, hơn 1.300 chuyến bay vào ngày 21/7 và theo trang web theo dõi các chuyến bay FlightAware, ngày 22/7, Delta Air Lines tiếp tục hủy hoặc trì hoãn hơn 2.900 chuyến bay.
Trên trang web chính thức, Giám đốc điều hành hãng Edward Herman Bastian đã đại diện Delta Air Lines đưa ra lời xin lỗi khách hàng đồng thời cho biết các đội khắc phục sự cố của hãng đang làm việc suốt ngày đêm để khôi phục hệ thống công nghệ thông tin.
Trên mạng xã hội, nhiều ngày nay, người dùng đã chia sẻ hình ảnh và video về các sân bay chật kín người, một số người phàn nàn bị mắc kẹt trong nhiều ngày và nhu cầu thuê xe, khách sạn quá lớn.
Sự kiện trên gây ra tình trạng hỗn loạn tương tự cuộc khủng hoảng năm 2022 của Southwest Airlines khi hãng này hủy 16.900 chuyến bay, khiến hơn 2 triệu hành khách mắc kẹt do trục trặc hoạt động trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới.
Thời điểm đó, DOT đã phạt Southwest 140 triệu USD, gấp 30 lần so với các hình phạt vi phạm bảo vệ người tiêu dùng trong lịch sử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận