Vừa thúc đẩy hòa bình vừa tiếp thêm vũ khí cho Israel
Hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bộ đã thông báo với Quốc hội Mỹ về ý định cung cấp số tiền nói trên cho Israel một ngày trước đó.
Số tiền này nằm trong luật chi tiêu bổ sung dành cho Israel được chính Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4.
Quyết định trên được Washington đưa ra trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại Trung Đông những ngày gần đây có thể bùng phát thành chiến tranh khu vực.
Israel bị cáo buộc sát hại thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, Iran ngày 30/7 và tư lệnh Hezbollah Fuad Shukr ở Beirut, Lebabon một ngày sau đó.
Số tiền nêu trên được cho là vô cùng cần thiết để Israel có thể mua sắm thêm các hệ thống vũ khí hiện đại và các trang thiết bị khác của Mỹ thông qua chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài của Mỹ.
Dù vậy, Israel sẽ không nhận được ngay số vũ khí và trang thiết bị từ Mỹ. Thay vào đó, họ chỉ có thể đặt mua những những vũ khí và trang thiết bị đang trong quá trình sản xuất và sẽ khó có thể được bàn giao trong vài năm tới.
Tuy nhiên, có một cách khác để Israel có thể nhận được số vũ khí và trang thiết bị đó sớm hơn nhiều là thông qua phân bổ số tiền cho Bộ Quốc phòng Mỹ để đổi lấy số vũ khí trang thiết bị mà Lầu Năm Góc có sẵn trong kho và chuyển trực tiếp cho Israel.
Bên cạnh động thái trên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà ngoại giao Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đối thoại vì hòa bình tại Trung Đông trong bối cảnh cả Iran, Hamas và Hezbollah đều lên tiếng cảnh báo sẽ có đòn đáp trả gay gắt nhằm vào Israel.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi lần thứ 2 chỉ trong vòng 1 tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một lần nữa nhấn mạnh mọi nỗ lực ngoại giao cần thiết để xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Mỹ "bơm" thêm vũ khí cho Ukraine
Trong một diễn biến có liên quan, Nhà Trắng cùng ngày thông báo Mỹ đang chuyển cho Ukraine số vũ khí bổ sung trị giá 125 triệu USD nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó trong xung đột với Nga.
Hãng tin AP dẫn lời giới chức Nhà Trắng cho hay số vũ khí này bao gồm các loại hệ thống phòng không, radar và vũ khí chống tăng mà Ukraine vô cùng cần thiết để phát hiện và tiêu diệt vũ khí của đối phương.
Đợt cung cấp vũ khí bổ sung lần này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành chiến dịch tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga theo hướng khu vực Kursk nằm trong lãnh thổ của Nga khiến Moscow phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và gửi quân chi viện.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định đợt cung cấp vũ khí lần này cho Ukraine là hoàn toàn phù hợp với chính sách của chính quyền Tổng thống Biden.
"Gói viện trợ quân sự lần này một lần nữa khẳng định cam kết không thể lay chuyển của chúng tôi đối với Ukraine trong khi họ đang tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Nga. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Ukraine để hiểu rõ họ đang làm gì, mục tiêu và chiến lược mà họ vạch ra", ông Kirby nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm với ông Kirby, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định gói viện trợ mới nhất sẽ giúp Ukraine bảo vệ binh sĩ, người dân và các thành phố khỏi các cuộc tấn công của Nga và củng cố lực lượng trên tiền tuyến.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden đã chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí phản công xuyên biên giới với Nga nhưng không được tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga dù không nêu rõ khoảng cách được phép tấn công.
Số vũ khí trong đợt cung cấp lần này cho Ukraine sẽ được lấy từ kho vũ khí có sẵn của Mỹ bao gồm tên lửa Stringer, đạn pháo 155mm và 105mm và hệ thống tên lửa HIMARS.
Như vậy, kể từ năm 2022, thời điểm Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine với tổng trị giá lên đến 55,6 tỷ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận