Tốc độ phát triển đường sắt cao tốc tại Trung Quốc“quá nhanh, quá nguy hiểm” |
Vì sao hủy hợp tác với Trung Quốc?
Tập đoàn XpressWest của Mỹ được Chính phủ cấp phép xây dựng dự án đường sắt cao tốc Las Vegas - Los Angeles dài 370km với chi phí đầu tư ban đầu 100 triệu USD. Khi XpressWest thông báo hợp tác với Tập đoàn Đường sắt quốc tế Trung Quốc (CRI) thực hiện dự án khổng lồ này vào tháng 9/2015, được đánh giá là “bước ngoặt” trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung và là “dấu mốc” quan trọng trong hoạt động đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Song, tuần trước, XpressWest đột ngột tuyên bố chấm dứt hợp tác với CRI vì “gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành đúng thời hạn và CRI đối mặt nhiều thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu mà chính quyền đặt ra”. Trong đó, thách thức lớn nhất mà CRI đối mặt đó là yêu cầu - tàu cao tốc cần phải được chế tạo tại Mỹ nhằm đảm bảo an toàn.
Giám đốc điều hành XpressWest Tony Marnell cho biết: “XpressWest từng rất lạc quan CRI và các chi nhánh một ngày nào đó có thể hiện diện thành công trên thị trường đường sắt của Mỹ. Nhưng tham vọng thực hiện dự án Las Vegas - Los Angeles hiệu quả và đúng hạn của chúng tôi đã vượt quá khả năng của CRI”. Mặc dù xảy ra thay đổi bất ngờ nhưng Xpress West vẫn cam kết sẽ “hoàn thành dự án này”.
Ngay sau khi Xpress West công bố quyết định hủy hợp đồng, hàng loạt cổ phiếu trong ngành Đường sắt Trung Quốc giảm mạnh. Cổ phiếu 3 công ty thành lập ra CRI là: China Railway Group, CRRC, China State Construction Engineering đều sụt giảm trong ngày 10/6.
Tờ Tân Hoa Xã ngày 11/6 chỉ trích quyết định trên là “thiếu trách nhiệm” và “không chỉ làm tổn hại tới lợi ích của CRI mà còn trở thành tiền lệ xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực đường sắt”. Hãng tin này cũng trích lại thỏa thuận được hai bên ký kết tháng 9/2015; trong đó, không bên nào được phép công bố thông tin mà không có sự đồng thuận từ bên kia. Nên việc XpressWest đơn phương quyết định là vi phạm điều khoản hợp đồng.
Còn CRI tuyên bố phản đối quyết định này và sẽ giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
“Quá nhanh, quá nguy hiểm”
Việc Mỹ lo ngại vấn đề an toàn khi để nước ngoài xây dựng đường sắt cao tốc là điều dễ hiểu. Bởi, một khi xảy ra sự cố, tai nạn đường sắt cao tốc có thể gây thương vong và thiệt hại lớn về người và của. Trong khi, ngành Đường sắt cao tốc Trung Quốc phát triển “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Nhật Bản - nước đi đầu trong công nghệ đường sắt cao tốc mất hơn chục năm kể từ khi đề xuất kế hoạch mới có chuyến tàu con thoi đầu tiên đi vào hoạt động. Dịch vụ này hoạt động trên toàn Nhật Bản, vận tải 10 tỉ hành khách trong hơn 50 năm và chưa hề xảy ra bất cứ tai nạn nào.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ mất 3 năm kể từ khi lên kế hoạch xây dựng (năm 2004) cho đến khi tuyến đường sắt đầu tiên đi vào hoạt động. Từ năm 2004 đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã xây dựng 9.800km đường sắt cao tốc, cao hơn toàn bộ các nước khác và bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài.
Song, nhìn lại bảng an toàn đường sắt cao tốc tại Trung Quốc: Tháng 7/2011, xảy ra vụ va chạm tàu cao tốc Trung Quốc tại tỉnh Triết Giang khiến 40 người thiệt mang và 192 người bị thương. Kết quả điều tra tai nạn phát hiện 106 trong 168 lỗi trên đường sắt cao tốc toàn quốc do “vấn đề chất lượng sản xuất và thiết kế”. Tháng 3/2012, 300m đường ray cao tốc tại Trung Quốc bị sập do mưa lớn song không gây thương vong về người. Giới chức đổ lỗi cho yếu tố mưa gây ra sự cố; nhưng sau đó họ thừa nhận 9km đường sắt tại đây cần phải được thay thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận