Tên lửa tầm trung SS-4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do Liên Xô (cũ) sản xuất |
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/12 trong một hội nghị với sự tham gia của các ngoại trưởng các nước thành viên NATO.
Ông Pompeo cho biết Mỹ đã sẵn sàng khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) 1987 với lý do Nga đã vi phạm hiệp ước này.
“Xét những dữ liệu thực tế hiện nay, Mỹ sẽ thông báo về việc đã phát hiện Nga vi phạm Hiệp ước INF và chúng tôi sẽ tự rút ra khỏi hiệp ước này trong 60 ngày nữa nếu Nga không quay trở lại tuân thủ”, ông Pompeo cho hay.
Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc những hành động vi phạm của Nga đã hình thành lên “một kiểu vô pháp luật lớn hơn” và rằng Moscow phải quay trở lại “thực hiện đầy đủ và được kiểm chứng” đối với hiệp ước đã ký.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo |
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, Hoa Kỳ đã tuân thủ pháp quyền và đã bị ràng buộc bởi các cam kết quốc tế.
“Khi chúng tôi đưa ra các cam kết, chúng tôi đồng ý để mình bị ràng buộc. Chúng tôi mong chờ điều tương tự từ các đối tác trong hiệp ước ở khắp nơi và chúng tôi chắc chắn sẽ bắt họ phải chịu trách nhiệm khi lời cam kết của họ được chứng minh là không đáng tin”, ông Pompeo nói.
Trước đó, ngày 3/12, 3 Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Bob Menendez, Jack Reed, và Mark Warner - đã chỉ trích ý định của Tổng thống Trump khi định rút khỏi hiệp ước INF.
Các nghị sĩ miêu tả đây là “một món quà chính trị và địa chính trị dành cho Nga” và là “một sự thiếu suy nghĩ ở cấp chiến lược” có thể ảnh hưởng đến các hiệp ước kiểm soát vũ khí khác như Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START).
Hiệp ước INF được ký kết tháng 12/1987 nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô (cũ). Theo đó, hai nước bị cấm phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng từ 500 cho đến 5.500 km.
Hiệp ước này là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.
Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước. Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn có khả năng tấn công và có thể nhằm vào Nga. Bất chấp những lời cáo buộc trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã quyết định không từ bỏ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 đã úp mở dự định sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF.
Nếu Mỹ thực sự ra khỏi Hiệp ước INF thì sẽ chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START mới) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới thỏa thuận này hay không.
Chính vì thế, hành động trên của Mỹ gây ra lo ngại không chỉ với Nga và Trung Quốc, hai nước trực tiếp bị Washington nhắm đến, mà còn với các nước châu Âu đồng minh của Mỹ.
Các nước đang phản ứng mạnh mẽ trước ý định rút khỏi INF của Mỹ bởi họ lo sợ hành động của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đẩy toàn cầu vào mối đe dọa diệt chủng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận