Thời sự Quốc tế

Mỹ sắp hỗ trợ 2 tỉ USD bao gồm 1 vũ khí giúp Ukraine làm điều chưa từng có

Trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 2 tỉ USD của Mỹ với Ukraine có một vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách hỗ trợ đó là tên lửa tầm xa.

Các hãng tin Bloomberg và AP dẫn các nguồn tin từ giới chức Mỹ cho biết, Mỹ đang chuẩn bị hơn 2 tỉ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, dự kiến sẽ thông báo sớm nhất là trong tuần này bao gồm thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, đạn dẫn đường chính xác, vũ khí chống tăng Javelin.

Một trong các quan chức trên cho rằng, một phần của gói cứu trợ dự kiến trị giá 1,725 tỉ USD sẽ đến từ quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cho phép chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lấy vũ khí để hỗ trợ cho Ukraine trực tiếp từ ngành công nghiệp quân sự chứ không phải từ kho vũ khí.

Với quỹ này, Mỹ cũng tiến hành mua vũ khí mới là bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do Boeing Co sản xuất, có tầm bắn 150 km (94 dặm) trong bối cảnh Mỹ đã từ chối yêu cầu của Ukraine về tên lửa ATACMS có tầm bắn gần 300km.

Tầm xa của GLSDB có thể cho phép Ukraine nhắm tới các mục tiêu vốn nằm ngoài tầm với và hỗ trợ Kiev đẩy mạnh phản công qua việc làm gián đoạn Nga ở khu vực xa hơn ở phía sau chiến tuyến.

img

Tầm xa của bom lượn GLSDB có thể cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trước đây là nằm ngoài tầm với. Ảnh - SAAAB

GLSDB do Saab AB và Boeing phối hợp sản xuất bao gồm bom đường kính nhỏ GBU-39 và động cơ rocket M26 – hai loại phổ biến trong kho vũ khí của Mỹ.

GLSDB được dẫn đường bằng GPS, có thể vượt mặt một số chiêu thức làm nhiễu điện tử, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, tấn công các phương tiện bọc thép.

GBU-39, đóng vai trò là đầu đạn của GLSDB, có cánh nhỏ, có thể gập, đủ khả năng bay hơn 100km nếu được thả từ máy bay và tấn công vào mục tiêu có đường kính nhỏ hơn 1m.

So với các đạn có điều khiển khác, bom lượn có tỷ lệ thuốc nổ hiệu dụng cao, đạt đến 70%-80% (đầu đạn được đẩy bằng tên lửa chỉ đạt tối đa 25%), có thể hoạt động trong điều kiện đối phương chế áp điện tử cường độ cao, cho phép máy bay tấn công nhiều mục tiêu hơn trong một nhiệm vụ.

Quỹ của USAI cũng được sử dụng để mua thêm bộ phận cho hệ thống phòng không HAWK, hệ thống chống máy bay không người lái, radar chống pháo và giám sát trên không, thiết bị liên lạc, máy bay không người lái PUMA và phụ tùng thay thế cho các hệ thống quan trọng như Patriot và Bradley, theo một quan chức.

Ngoài ra, còn có một số lượng đáng kể các thiết bị y tế - đủ để trang bị cho ba bệnh viện dã chiến do một đồng minh khác quyên góp, quan chức này cho biết thêm.

Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin. Nội dung và quy mô của các gói viện trợ có thể thay đổi cho đến khi Tổng thống Mỹ chính thức đặt bút ký.

Ngoài các quỹ của USAI, khoản viện trợ trị giá hơn 400 triệu đô la Mỹ sẽ được lấy bằng cách sử dụng Quyền Rút vốn của Tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA), cho phép tổng thống lấy từ các kho dự trữ hiện tại của Hoa Kỳ trong trường hợp khẩn cấp.

Khoản viện trợ đó dự kiến sẽ được dùng để mua các phương tiện tránh phục kích kháng mìn (MRAP), hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) và đạn dược.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ đã chi ước tính 27,2 tỉ USD về hỗ trợ an ninh cho Ukraine nhưng Washington cùng đồng minh luôn cẩn trọng đối với những loại vũ khí có thể khiến lan sang thành Nga và NATO.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.