Chế tài xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là nặng nhất trong các vi phạm giao thông tại Mỹ |
Mỗi ngày, có khoảng 30 người tại Mỹ tử vong vì TNGT liên quan tới hành vi điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia. Vì thế, ở hầu hết các bang tại Mỹ đây luôn là vi phạm giao thông bị áp chế tài xử phạt nghiêm khắc nhất.
“Xót ruột” vì tiền phạt
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch, tai nạn Mỹ, năm 2013, khoảng 10.076 người thiệt mạng trong các vụ TNGT liên quan tới người điều khiển phương tiện có gắn động cơ sau khi sử dụng rượu bia. Ngoài ra, trong số 1.149 trẻ từ 14 tuổi trở xuống thiệt mạng vì TNGT có 17% liên quan tới tai nạn do người điều khiển phương tiện say xỉn.
Dù con số này vẫn ở mức đáng báo động nhưng thực chất đã giảm hơn 50% so với số người chết vì hành vi vi phạm giao thông này trong những năm 80 của thế kỷ 20. Một trong những lý do tỉ lệ tử vong sụt giảm vì Chính phủ Mỹ siết chặt các chế tài xử phạt, cũng như sự thay đổi thái độ của xã hội đối với tình trạng uống rượu bia khi lái xe.
Mỗi bang tại Mỹ có chế tài xử phạt giao thông khác nhau. Trong đó, Arizona có hình phạt nghiêm khắc nhất đối với hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện. Theo đó, tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện có thể bị phạt tối thiểu 10 ngày tù giam và 1.250 USD đối với vi phạm lần đầu. Với người vi phạm lần thứ hai, thời gian phạt tù tối thiểu sẽ nâng lên 90 ngày và tiền nộp phạt cũng cao hơn. Với vi phạm từ lần thứ ba trở đi, hành vi này bị coi là phạm tội hình sự.
Mỗi lần vi phạm, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải lắp đặt một thiết bị kiểm soát nồng độ cồn tích hợp vào bảng điều khiển của xe (Ignition Interlock Device). Chi phí lắp đặt thiết bị này khoảng 730-2.800 USD. Thiết bị bắt buộc người điều khiển mô tô và ô tô phải thổi hơi để phân tích, nếu dưới mức nồng độ cồn cho phép thì mới có thể khởi động xe.
Chưa kể, người vi phạm phải mang thiết bị tới cơ quan cảnh sát để kiểm tra định kỳ hàng tháng. Tất cả các cuộc kiểm tra này đều mất phí. Toàn bộ thao tác của người dùng với máy đều được ghi lại từ những hành động nhỏ như tháo/tắt thiết bị, điều chỉnh thông số, tần suất kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở...
Ngoài các mức phạt trên, người điều khiển phương tiện còn bị phạt tham gia dịch vụ cộng đồng hoặc tham gia khóa học nâng cao ý thức tham gia giao thông sau đó thi sát hạch khắt khe với chi phí từ 300-500 USD/khóa.
Không chỉ thế, người vi phạm còn phải chi trả các khoản tiền thử nồng độ cồn, tiền chở xe về nơi cất giữ, phí trông giữ, phí lấy xe ra. Nếu không chấp nhận mức phạt, người vi phạm phải trả thêm 150 USD để cơ quan cảnh sát cử người lắng nghe, xem xét giải trình. Đó là còn chưa kể hậu quả tài chính nặng nề vì phí bảo hiểm tăng cao.
Như vậy, chỉ một lần bị bắt quả tang vi phạm quy định nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện tại Mỹ sẽ bị “tổn thất hầu bao” vô cùng lớn, thậm chí có thể mất cả năm tiền lương.
Sau Arizona, các bang có chế tài xử phạt hà khắc tiếp theo là: Alaska, Connecticut, Tây Virginia, Kansas, Nebraska, Utah, Virginia... Tất cả các bang đều lấy mức độ 0,08% nồng độ cồn trong máu làm tiêu chuẩn để xác định vi phạm. Nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn bằng hoặc vượt quá mức độ này thì được xác định là vi phạm Luật Đảm bảo ATGT đường bộ.
Phạt nặng thanh thiếu niên để răn đe
Đáng chú ý, Mỹ áp dụng chế tài xử phạt rất nặng đối với đối tượng là thanh thiếu niên để răn đe nghiêm khắc - theo trang web StopTeenDUI.com, một trang do Tòa án California lập ra để giáo dục trẻ vị thành niên về sự nguy hiểm của hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia.
Theo đó, các loại chi phí khi trẻ vị thành niên vi phạm quy định có thể bao gồm: 650 USD tiền khóa học giáo dục ATGT, 685 USD tiền phí kéo xe và lưu giữ xe trong 5 ngày, 4.000 USD phí tòa, 100 USD và tiền bảo hiểm bị tăng thêm trong 13 năm là 40.000 USD... Đó là chưa tính tới trường hợp thanh thiếu niên sử dụng rượu bia gây TNGT chết người.
Ca sĩ trẻ nổi tiếng Justin Bieber từng vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe tại Mỹ. Vụ việc xảy ra năm 2014 khi Justin 19 tuổi, làm tốn “không ít giấy mực” của báo chí Mỹ và nước ngoài. Ca sĩ trẻ bị CSGT bắt giữ vào khoảng 4h sáng tại Miami lúc đang điều khiển chiếc Lamborghini màu vàng.
Justin bị chỉ trích vì nhởn nhơ cười cợt trong ảnh chụp chân dung sau khi bị bắt dù đối mặt tổng mức phạt tới hơn 45.000 USD - tương đương thu nhập trung bình của người Mỹ. Báo giới Mỹ cho rằng, đây là thái độ không thành khẩn và coi thường mức phạt. Trước và sau sự việc đó, Justin Bieber không ít lần bị CSGT “sờ gáy”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận