Ngày 14/1, theo giờ địa phương, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ và nguồn tin trong ngành cho biết: “Mỹ đã hứa sẽ hậu thuẫn Châu Âu nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng vì xung đột hoặc các lệnh trừng phạt”.
Hai tháng gần đây, phương Tây đã báo động khi nhận thấy Moscow triển khai lượng lớn binh sĩ gần Ukraine.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo, nếu Nga có động thái tấn công Ukraine thì sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt chưa từng có, đồng thời, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự hơn nữa tại châu Âu.
Châu Âu đang phụ thuộc tới 30% nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh - Reuters
Nga từ chối kế hoạch tấn công Ukraine và cho biết họ có quyền chuyển quân tới bất cứ nơi nào trong phạm vi lãnh thổ.
Hiện tại Liên minh châu Âu đang phụ thuộc vào Nga khoảng 1/3 nguồn cung khí đốt và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với bất cứ cuộc xung đột nào cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung, làm trầm trọng khủng hoảng năng lượng. Giá nhiên liệu cao kỷ lục khiến chi phí tiêu dùng, chi phí doanh nghiệp tăng cao và làm nổ ra biểu tình ở một số quốc gia.
Để đảm bảo an ninh năng lượng cho các đối tác châu Âu trong trường hợp Mỹ trừng phạt Nga hoặc xảy ra xung đột với giữa Nga với Ukraine, giới chức Ngoại giao Mỹ đã tiếp cận một số công ty để đánh giá nguồn cung bổ sung trong trường hợp cần thiết và nhận được câu trả lời rằng nguồn cung khí đốt toàn cầu đang khan hiếm nên có rất ít khí đốt sẵn có để thay thế cho nguồn cung lớn từ Nga.
Hoạt động đối thoại này do cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng Amos Hochstein – một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu, theo nguồn tin giấu tên.
“Chúng tôi đã bàn về một loạt các trường hợp khẩn cấp và về tất cả những gì có thể thực hiện cùng với các đối tác và đồng minh”, nguồn tin cho hay.
Hiện chưa rõ cụ thể những công ty mà giới chức Mỹ liên lạc. Một số đơn vị cung cấp năng lượng lớn trên thế giới như Royal Dutch Shell, ConocoPhillips và Exxon… đều từ chối bình luận.
Khi được hỏi về thông tin trên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận cơ quan này đang lên kế hoạch phòng trường hợp khẩn cấp nhưng từ chối bình luận về việc bàn với các công ty năng lượng.
“Đánh giá nguy cơ khủng hoảng và tìm cách giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng là cách quản trị tiêu chuẩn, tốt nhất”, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga tới Châu Âu bị giảm, bên mua khí đốt châu Âu sẽ cần phải tìm kiếm nguồn cung khí đốt siêu lạnh để bù đắp.
Trong khi đó, Châu Âu phải cạnh tranh tìm nguồn cung cấp LNG với các nước sử dụng nhiều năng lượng khác như Nhật Bản và Trung Quốc.
Dự báo, năm 2022, Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận