Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, đầu tư của nước này vào lĩnh vực giao thông vận tải đạt 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 500 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2023.
Trong giai đoạn này, hơn 7.000km đường cao tốc đã được mở rộng hoặc nâng cấp, 1.700km đường sắt cao tốc được xây dựng mới, 1.000km đường thủy chất lượng cao được bổ sung hoặc cải tiến.
Ngoài ra, có thêm hai sân bay vận tải dân sự đã được cấp chứng nhận. Về đường sắt, tổng quãng đường vận chuyển bằng đường sắt đô thị của đất nước tỷ dân này đã đạt hơn 360km.
Bên cạnh đó, kênh Giang Hoài ở tỉnh An Huy (phía đông Trung Quốc) cũng chính thức được đưa vào hoạt động trong năm 2023.
Nằm trong dự án nước lớn nhằm chuyển nước từ sông Dương Tử sang sông Hoài Hà, tuyến đường thủy dài 355km nối sông Hoài Hà với hồ Sào Hồ và sông Dương Tử này là một kênh nhân tạo lớn song song với kênh đào 2.500 tuổi Đại Vận Hà nối Bắc Kinh - Hàng Châu.
Việc mở kênh Giang Hoài giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển đường thủy giữa sông Hoài Hà và sông Dương Tử từ 200 - 600km, tạo điều kiện cho hoạt động đường thủy trở nên thuận tiện, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.
Thủy thủ tàu Zhao Hu cho biết: "Trước đây, phải mất 7-8 ngày để đến thành phố Vu Hồ, nhưng bây giờ chỉ mất 4-5 ngày, tiết kiệm được 6.000 - 7.000 nhân dân tệ chi phí vận chuyển".
Còn theo ông Chen Jing đến từ Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc: "Việc mở kênh Giang Hoài có thể tiết kiệm hơn 6 tỷ nhân dân tệ chi phí vận chuyển hàng rời ở nội địa mỗi năm, giảm lượng khí thải carbon gần 1,8 triệu tấn và giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp dọc tuyến từ 5 - 10%".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận