Kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng
Hôm nay (10/1), diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, năm 2023, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) đã nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra, góp phần đẩy mạnh PCTNTC, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Toàn ngành đã tập trung tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm TNTC; về công tác giám định, định giá tài sản và thu hồi tài sản TNTC.
Đối với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong toả, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng; Trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 76.200 tỷ đồng (đạt 47,83%).
Cùng với đó, toàn ngành tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nhiều vụ án TNTC lớn, cũng như về chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vừa đảm bảo nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, được dư luận đồng tình cao như vụ án liên quan đến công ty Việt Á, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lĩnh vực đăng kiểm.
Khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng
Theo Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tuy mới được thành lập, nhưng đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, hoạt động ngày càng nền nếp, bài bản.
Trong năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát, đưa 260 vụ án, vụ việc TNTC vào diện theo dõi, chỉ đạo (tính từ khi thành lập đến nay, đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo).
Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).
Đặc biệt, nhiều vụ án, vụ việc TNTC tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý; Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án TNTC lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.
Một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo PCTNTC trong chính các cơ quan chống tham nhũng, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về TNTC.
"Kết quả đó đã khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý TNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" và dưới cũng đang "nóng" lên", báo cáo nêu rõ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 trong báo cáo của Ban Nội chính Trung ương đề cập tới đó là: Tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh TNTC, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
"Tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng", báo cáo nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận