Từ đường đất đến QL1 4 làn xe cơ giới
Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, dù là số phương tiện, nhu cầu đi lại gia tăng, tốc độ khai thác trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nói chung và trên tuyến QL1 nâng lên, nhưng TNGT lại giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, so sánh số liệu năm 2016 và năm 2011 (trước dự án) TNGT giảm 1.160 vụ, giảm 539 người chết, giảm 1.390 người bị thương.
Ông Khuất Việt Hùng,
Phó chủ tịch chuyên trách
Ủy ban ATGT Quốc gia
Nhớ lại khoảng thời gian đất nước vừa thống nhất, TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cho biết, bức tranh giao thông ngày đó khá ảm đạm. Cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều lạc hậu, do tàn dư những năm chiến tranh để lại. Riêng về đường bộ, giai đoạn đó, QL1 chỉ rộng 9m, 2 làn xe cơ giới, nhiều đoạn chỉ 7m.
“Ổ gà, ổ voi trên đường rất nhiều, giao thông đi lại thời đó là trở ngại lớn. Chỉ cần đi từ Hà Nội vào Vinh đã là cả một vấn đề lớn, cách trở vô cùng”, TS. Long dẫn ví dụ và cho biết thêm, ngay cả đường mòn Hồ Chí Minh, con đường có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng ở khu vực phía Tây cũng rất xấu, đi lại rất khó khăn.
Đi lên từ khó khăn đó, đến nay, sau 44 năm đất nước thống nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Thay đổi đầu tiên phải kể đến là hai “đại dự án” mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, kết quả nghiên cứu “Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động nâng cấp, cải tạo và mở rộng QL1 (đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) đối với công tác đảm bảo ATGT và chi phí vận tải” vừa được đơn vị này tiến hành nghiên cứu khảo sát cho thấy lợi ích rõ ràng trong việc tiết kiệm nhiên liệu, tăng vận tốc khai thác, giảm thời gian vận chuyển, khấu hao phương tiện.
Theo bà Hiền, sau khi mở rộng QL1 giúp các phương tiện lưu thông giảm bình quân 5% chi phí vận tải trên toàn tuyến. Cụ thể, chi phí vận tải cho một chuyến đi đối với xe khách 45 chỗ giảm 7,5%, xe giường nằm giảm trên 8%, xe tải 10 tấn giảm 1,5%, xe tải 18 tấn giảm 3,6%, xe container 20 feet giảm 5,3%, xe container 40 feet giảm 4%. Đó là chưa kể đến các lợi ích khó định lượng được như hiệu quả giảm TNGT, ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, dù còn tồn tại ở một vài đoạn tuyến, nhưng có thể khẳng định, việc mở rộng QL1, trong đó có các dự án BOT là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng giao thông. Chất lượng mặt đường tốt, rộng thoáng hơn đương nhiên năng suất vận tải được cải thiện, chi phí vận tải thấp hơn, thời gian lưu thông ngắn hơn.
Lợi ích rõ nhất có lẽ là những doanh nghiệp vận tải. Ông Vũ Đức Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long chia sẻ: “Từ khi QL1 được mở rộng, việc lưu thông rất thuận lợi, an toàn. Chúng tôi quay vòng khai thác được nhiều chuyến xe hơn do thời gian được rút ngắn, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được nhiên liệu.
“Trước đây, xe của chúng tôi chạy tuyến này phải mất khoảng 50-55 giờ, nay chỉ mất khoảng 36-40 giờ, giảm gần 20 giờ so với trước. Dù mất tiền đóng phí BOT, nhưng bù lại doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ hạ tầng đường sá khang trang, đồng bộ, hoạt động kinh doanh khởi sắc”, ông Hoàng nói.
Giảm TNGT, không tính được bằng tiền
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc nâng cấp, mở rộng QL1 cũng mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội. Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, TNGT trên tuyến giảm cả 3 tiêu chí, số vụ giảm bình quân trên 12%, số người chết giảm giảm bình quân trên 5%, số người bị thương giảm trên 14%. “Trên 2.300km của QL1, do 60% tổng chiều dài có dải phân cách giữa góp phần giảm các vụ TNGT đối đầu”, bà Hiền cho biết thêm.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, QL1 được nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, đặc biệt là có dải phân cách cứng ở giữa góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn đối đầu. TNGT ở tất cả các địa phương có dự án mở rộng, nâng cấp QL1 đi qua đều giảm rất sâu. Đặc biệt là giảm số vụ tai nạn đối đầu thảm khốc làm nhiều người thương vong. Điều này chứng tỏ, việc huy động các nguồn lực đầu tư trong nước, bao gồm nguồn xã hội hoá, trong đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại đã phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, lái xe lâu năm tuyến Bắc - Nam chia sẻ, trước đây, QL1 nhỏ hẹp, xuống cấp, nhiều ổ gà, lại không có dải phân cách nên lái xe gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, QL1 được mở rộng với 4 làn xe không chỉ giúp tăng cường ATGT mà còn rút ngắn thời gian đi lại.
“Tuyến đường được mở rộng với hệ thống dải phân cách cứng ở giữa giúp bảo đảm ATGT hơn rất nhiều. Khi chưa có dải phân cách, mỗi lần cầm vô lăng, tôi lúc nào cũng sợ các phương tiện từ làn đường đối diện lấn sang bên mình, rồi liên tục phải canh me phía sau xem có xe nào định vượt không để còn tránh. Giờ thì khỏe rồi, cứ đi đúng làn đường, đúng tốc độ là không lo tai nạn đối đầu xe nữa”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, từ chỗ trên 13.000 người chết vì TNGT năm 2011, đến nay con số này đã giảm xuống còn hơn 8.000 người và sẽ còn giảm nữa. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, trong đó nổi bật là mở rộng QL1. “Việc mở rộng QL1 có dải phân cách cứng khiến TNGT nghiêm trọng do hai xe đấu đầu hầu như không còn. Hiệu quả này chúng ta không cân đo, đong đếm, tính được bằng tiền”, ông Quyền khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận