Những đường ngang nguy hiểm cần được bố trí lại hợp lý để bảo đảm ATGT |
Địa phương vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Trưởng phòng Vận tải an toàn (Cục Đường sắt VN) cho biết, Nam Định là địa phương làm rất tốt việc xóa đường ngang, có lộ trình rõ ràng cho từng điểm. Điểm nào cần xóa, điểm nào cần cảnh giới đều rõ. Ông Hiển cho biết, xóa đường ngang phải có lộ trình và kế hoạch để thực hiện cụ thể, chứ không phải chỉ khảo sát xong rồi để đấy. Đường ngang nào cần xóa cấp bách, đường cần xóa nào về lâu dài cũng đều được lên danh sách.
Thống kê Nam Định có 276 đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt. Đây là những mối nguy tiềm ẩn TNGT, bởi không có người gác cũng không biển cảnh báo. Thực tế, những năm trước, đơn vị quản lý đường sắt tại đây là Công ty QLĐS Hà Ninh đã nhiều lần tổ chức cùng địa phương đóng một số đường ngang có mối nguy tiềm ẩn này, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn là người dân tự ý phá bỏ để lấy lối đi.
“Đây là điều đáng lo ngại. Khi chưa làm được đường gom cho dân, việc đóng các đường ngang dân sinh sẽ khó khăn”, ông Vũ Văn Luyện, Giám đốc Công ty QLĐS Hà Ninh nói và cho biết, địa phương đã vào cuộc cùng với đường sắt để đảm bảo ATGT. Đây là yếu tố thuận lợi nhất.
Giải pháp dài hơi
Sau vụ TNGT đường sắt xảy ra hồi tháng 9/2014 tại Km 90+600 tuyến đường sắt Thống Nhất qua huyện Vụ Bản, Nam Định đã quyết liệt lên kế hoạch xóa bỏ đường ngang tự phát. Trong đó, 5 đường ngang trái phép từ Km 90+490 đến Km 90+931 qua cổng các Công ty Việt Trung, Phượng Hoàng, Dược PQA đã được xóa bỏ bằng hàng rào tôn. Để đảm bảo các đường gom này không bị tái mở, địa phương cũng lên kế hoạch làm đường gom ra đường ngang hợp pháp cho các doanh nghiệp tại đây.
Còn lại các đường ngang khác của huyện Vụ Bản đều được tính toán làm đường gom ra đường ngang hợp pháp có đầy đủ các biện pháp an toàn. Trong đó, ba đường ngang qua xã Liên Bảo, Ban ATGT huyện và địa phương cam kết thực hiện.
"Dự kiến trong quý I năm nay sẽ đóng được 153 đường ngang dân sinh trái phép. Để chống tái mở, tỉnh giao trách nhiệm cho địa phương giữ đường. Hơn nữa, trước khi đưa phương án đóng đường ngang, tỉnh cũng đã có thỏa thuận cụ thể với người dân để đảm bảo lối đi khác thuận tiện nên sẽ khó có chuyện tái phạm”. Ông Phan Phương Đông Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định |
Một điều đáng chú ý là từng huyện của tỉnh Nam Định đã lên kế hoạch cụ thể trước mắt và lâu dài để xóa đường ngang. Như TP Nam Định đã tính toán xóa bỏ 64 đường ngang, cắm biển cảnh báo tại 47 đường ngang, tổ chức cảnh giới ba đường. Trong năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành dự án hàng rào đường gom để xóa bỏ 29 đường ngang dân sinh. Hiện TP Nam Định đang đề nghị xây dựng hàng rào đường gom để xóa được 32 đường ngang khác.
Còn tại huyện Mỹ Lộc, trước mắt huyện này sẽ xóa bỏ bằng cách rào kín 17 đường ngang, tổ chức cảnh giới ba đường ngang. Trong năm 2015 sẽ xóa bỏ 24 đường ngang.
Ông Luyện cho biết thêm, các địa phương có đường sắt đi qua đã cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự tái mở đường ngang sau khi đã đóng. Để thực hiện được điều này, sau khi đóng đường ngang, UBND tỉnh sẽ giao cho các địa phương quản lý và bảo đảm nguyên trạng. Để đảm bảo đúng kế hoạch, các đường ngang sẽ được đầu tư kinh phí theo dự toán. Trước mắt sẽ đóng những đường ngang có nguy cơ mất ATGT cao và bàn giao cụ thể cho địa phương.
Theo thống kê, TNGT đường sắt ở Nam Định trong năm 2014 đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2013. Cụ thể xảy ra 19 vụ, làm 8 người chết và 17 người bị thương; giảm 5 vụ, giảm một người chết và giảm một người bị thương.
Với nhiều giải pháp xử lý triệt để đường ngang, trong thời gian tới tình hình TNGT ở Nam Định sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Nhưng điều đáng nói nhất, đây sẽ là kinh nghiệm tốt cho các địa phương khác để từng bước xóa bỏ hơn 4.300 đường ngang dân sinh do dân tự mở cắt ngang qua đường sắt trên địa bàn cả nước.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận