Đa dạng hệ thống cảng thủy nội địa
Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tỉnh Nam Định chú trọng phát triển mạng lưới đường thủy nội địa nhằm phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách.
Trong đó, các tuyến đường thủy Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Nam Định được thực hiện theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Địa phương sẽ có 3 tuyến đường thủy cấp đặc biệt gồm tuyến Hà Nội - Lạch Giang dài 19km (đoạn Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ), tuyến Cửa Đáy - Ninh Bình dài 72km và tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình (qua cửa Lạch Giang) dài 178,5km.
Đối với các tuyến đường thủy địa phương quản lý, sẽ quy hoạch cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa cấp VI đối với các tuyến sông: Sông Sắt, sông Mỹ Đô, sông Châu Thành, sông Sò, sông Ninh Mỹ, sông Múc và sông Vọp với tổng chiều dài 116,2km.
Nam Định cũng định hướng đầu tư xây dựng hàng chục cảng nội địa với hệ thống cảng hàng hóa tổng hợp, cảng hành khách và cảng chuyên dùng trên 4 tuyến sông lớn của tỉnh đảm bảo đồng bộ, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với cảng hàng hóa tổng hợp theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, địa phương sẽ xây dựng các cảng đáp ứng cho cỡ tàu có trọng tải từ 1.000-5.000 tấn. Theo đó, trên sông Hồng (1 cảng), sông Đào (2 cảng), trên sông Đáy (3 cảng), trên sông Ninh Cơ (1 cảng).
Ngoài ra, Nam Định cũng định hướng quy hoạch bổ sung trên sông Hồng (5 cảng), trên sông Đào (1 cảng), trên sông Đáy (1 cảng) và trên sông Ninh Cơ (5 cảng).
Đáng chú ý, quy hoạch cũng định hướng phát triển 7 cảng khách trên các tuyến sông của Nam Định. Bao gồm 3 cảng trên sông Hồng (cảng khách Giao Thủy, cảng Tân Đệ và cảng hàng hóa du lịch), 1 cảng trên sông Đào (cảng Nam Định được nâng cấp từ cảng hiện hữu), 3 cảng trên sông Vọp (cảng khách Vọp 1, 2, 3 với công suất 30.000 hành khách/năm).
Đồng thời, với sự phát triển của các khu công nghiệp, địa phương cũng quy hoạch các cảng chuyên dùng để phục vụ cho việc cận chuyển hàng hóa tại các khu công nghiệp. Trong đó, quy hoạch 3 cảng trên sông Đào (cảng xăng dầu Hà Nam Ninh, cảng Trường Lưu (kinh doanh xăng dầu), cảng xăng dầu tại Vụ Bản); 3 cảng trên sông Ninh Cơ (cảng Hải Châu, cảng Thịnh Long (mới), cảng hàng lỏng Hải Thịnh); 1 cảng trên sông Đáy là cảng thủy nội địa Nghĩa Hưng.
Vị trí, quy mô, công suất, phạm vi sử dụng đất của các cảng thủy nội địa sẽ được xác định chính xác khi lập dự án đầu tư.
Đầu tư cảng biển, phát triển 4 cảng cạn
Đối với cảng biển của địa phương sẽ thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cảng biển Nam Định thuộc nhóm Cảng biển số 1, bao gồm khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có các bến cảng và công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Cùng đó, có các cến phao, khu neo đậu chuyển tải tại Ninh Cơ, vị trí vùng nước khu vực ngoài cửa Lạch Giang, phục vụ tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Các khu neo, tránh trú bão sẽ được phát triển tại khu vực Hải Thịnh cho tàu có trọng tải khoảng 3.000-5.000 tấn và các khu vực khác có đủ điều kiện.
Địa phương cũng sẽ đầu tư xây dựng các cảng biển tổng hợp mới gắn với nhà máy thép và khu kinh tế Ninh Cơ tại khu vực Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, cũng như xây dựng bến cảng hàng lỏng khu vực Hải Thịnh, tiếp nhận tàu trọng tải đến 7.000 DWT.
Bên cạnh phát triển mạng lưới đường thủy, đường bộ, cảng biển, tỉnh Nam Định cũng quy hoạch phát triển 4 cảng cạn trên địa bàn tỉnh gồm cảng cạn khu vực Nghĩa Hưng, cảng cạn khu vực thành phố Nam Định, cảng cạn khu vực Cao Bồ và cảng cạn khu vực Giao Thủy.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cảng cạn Nghĩa Hưng tại tỉnh Nam Định nằm trên hành lang vận tải ven biển phía Bắc.
Cảng cạn Nghĩa Hưng kết nối với đường bộ gồm quốc lộ 10, quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam phía đông, cũng như kết nối với các tuyến đường thủy nội địa trên sông Đáy và sông Ninh Cơ (cảng biển Hải Thịnh); Tuyến ven biển.
Cảng cạn được quy hoạch có công suất hàng hóa thông qua tới năm 2030 đạt 70.000-100.000 Teu/năm và quy mô diện tích khoảng 7-10ha.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận