Y tế

Nằm viện 2 ngày không phát hiện viêm ruột thừa, bệnh này có khó chẩn đoán?

09/05/2019, 13:12

Một bệnh nhân may mắn được phẫu thuật cấp cứu khi phát hiện viêm ruột thừa giai đoạn hoại tử, cho dù 2 ngày trước đó đã được theo dõi ở BV tỉnh.

img
Nằm điều trị 2 ngày ở BV ĐK Cà Mau, bệnh nhân không được phát hiện ra Viêm ruột thừa (?)

Theo dõi 2 ngày không phát hiện viêm ruột thừa?

Dù hiện giờ chị Nguyễn Bích T. (sinh năm 1975, trú tại xã Tạ An Khương, Đầm Dơi, Cà Mau) sức khỏe đã hồi phục sau phẫu thuật cấp cứu vi viêm ruột thừa (VRT) giai đoạn hoại tử, nhưng gia đình chị vô cùng bức xúc trước việc BV ĐK tỉnh Cà Mau không phát hiện bệnh dù chị T. nằm điều trị tại đây trong suốt 2 ngày.

Theo chia sẻ của người nhà chị T., bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng nhiều nên được cấp cứu tại BV ĐK tỉnh Cà Mau. Trong quá trình nằm tại đây, dù bệnh nhân liên tục kêu đau bụng nhưng người nhà chỉ nhận được thông báo "đã khám rồi chờ theo dõi". Dù cũng đã được siêu âm vùng bụng, nhưng bác sĩ cho biết là không phát hiện bệnh lý gì và cho người bệnh nằm chờ theo dõi tiếp.

Rất sốt ruột nên gia đình tiếp tục hỏi bác sĩ cần làm thêm xét nghiệm, chiếu chụp gì khác để tìm bệnh không nhưng bác sĩ trả lời là không có bệnh gì để khám và chụp. Do vậy, gia đình có ý kiến xin được về để đi bệnh viện tuyến TP. Hồ Chí Minh khám lại, đồng thời phải cam đoan ra khỏi viện nếu có việc gì bất trắc thì không được khiếu kiện.

Tuy nhiên, trong chiều cùng ngày chị T. vẫn đau vùng bụng nhiều, nên được em trai đưa đi siêu âm tại phòng khám tư và được yêu cầu nhập viện ngay vì VRT cấp tính.

Chị T. được đưa vào bệnh viện khác ở phường 7 Tp. Cà Mau cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ kết luận VRT giai đoạn hoại tử phải lập tức phẫu thuật. May mắn sau ca phẫu thuật, bệnh nhân T đã phục hồi sức khỏe.

img
Chia sẻ bức xúc của người nhà bệnh nhân

Khó chẩn đoán viêm ruột thừa cấp

Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm ruột thừa cấp là bệnh cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất trong đó 70% số trường hợp VRT cấp có bệnh cảnh lâm sàng điển hình. Tần suất mắc bệnh cao nhất ở lứa tuổi 20 - 30.

Chẩn đoán VRT cấp thuộc về các bác sĩ lâm sàng. Tuy nhiên, với những trường hợp không điển hình thì chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò quan trọng nhất định. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu chỉ dựa vào lâm sàng, chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có thể sai tới 30%, kết hợp với siêu âm, tỷ lệ này có thể giảm tới 15% và nếu sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính, tỷ lệ sai sót có thể giảm xuống tới 7%.

Tỷ lệ tử vong của viêm ruột thừa cấp khoảng 1% và liên quan trực tiếp tới các biến chứng do vỡ ruột thừa vì không được chẩn đoán đúng và xử trí kịp thời.

Dấu hiệu VRT thường là đau bụng hố chậu phải, cũng có trường hợp bắt đầu đau ở thượng vị, quanh rốn sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Đau âm ỉ, liên tục và tăng dần. Ít khi đau thành cơn, nếu có giữa các cơn vẫn đau. Nôn và buồn nôn, triệu chứng này có trường hợp có hoặc không. Tiêu chảy táo bón có thể có hoặc không...

Nếu VRT cấp không được mổ sẽ dẫn tới viêm phúc mạc toàn bộ; áp xe ruột thừa, hoặc bám quánh ruột thừa, rất nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.