Khó khăn tài chính do dịch Covid-19 làm bùng hoạt động cho vay nặng lãi
Cô Vanna (nhân vật chỉ cung cấp tên để bảo vệ danh tính) là bà mẹ có 3 con nhỏ. Cô là một trong vô vàn phụ nữ gặp khó khăn vì dịch Covid-19, không chỉ tiền tiết kiệm cạn sạch mà còn gánh khoản nợ vay để mở hàng ăn tại thị xã Kampot, Campuchia.
Khi ngập trong nợ nần, hàng ăn phải đóng cửa, lâm vào cảnh túng quẫn, Vanna tình cờ thấy quảng cáo trên Facebook của “Loanly Internet”, đề nghị cho khách hàng lần đầu vay 50 USD. Tuy nhiên, số tiền cô Vanna cần lớn hơn nhiều nên bên cho vay nặng lãi đề nghị cho cô vay 1.000 USD, đổi lại cô cần cung cấp ảnh và video khỏa thân để họ lưu trên hệ thống.
“Tôi không muốn làm điều đó vì quá xấu hổ nhưng không có lựa chọn nào khác”, cô Vanna giải thích cho quyết định của mình. Tuy nhiên, người phụ nữ không thể ngờ rằng quyết định đưa ra trong hoàn cảnh ngập trong nợ nần lại khiến cô phải khổ sở suốt nhiều tháng sau.
Ảnh minh họa.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn thu của ngành du lịch, lượng kiều hối giảm và nhiều nhà máy dệt may phải đóng cửa suốt nhiều tháng tại Campuchia. Lĩnh vực may mặc cung cấp công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ tại Campuchia và chiếm ¼ sản lượng kinh tế của quốc gia này.
Từ đây, nạn cho vay nặng lãi nổi lên khi nhiều người dân nghèo cần những khoản “vay nóng” nhưng không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Vay - nợ - vay trở thành vòng xoáy luẩn quẩn không thể thoát ra.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn thế giới khiến giá cả tăng cao, theo số liệu từ Chính phủ Campuchia, số người tại quốc gia này sống dưới mức đói nghèo đã tăng thêm 1,3 triệu người và 18% dân số Campuchia hiện đang phải chịu cảnh đói nghèo.
Cho vay nặng lãi với lãi suất 80%/tháng
Quay trở lại với câu chuyện của cô Vanna, sau khi nhận được hình ảnh khỏa thân, tổ chức cho vay nặng lãi Loanly chỉ cho người phụ nữ vay 500 USD với lý do trừ nửa số tiền còn lại để trả lãi. Giờ đây, khi gánh trên vai hai khoản nợ lớn, cô Vanna đành tiếp tục vay thêm 1.000 USD nữa. Loanly đưa ra mức lãi suất 20%/tuần. Mỗi tháng chưa trả, cô sẽ phải trả thêm 80% giá trị khoản vay.
Điều này trái với quy định của luật pháp Campuchia, theo đó ngân hàng, công ty cho vay đã đăng ký với chính quyền chỉ được phép đưa ra mức lãi suất tối đa 1,5%/tháng hoặc 18%/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quá nhiều người dân nghèo chịu áp lực về tài chính và lợi dụng công cụ mạng xã hội, những tổ chức cho vay nặng lãi tại Campuchia ngày càng mở rộng hoạt động “săn tìm con mồi” qua Facebook hay Telegram với những cái tên như “Monkey Loan”, “Happy” hay “Tiger and Lion Loan”.
Một số tên tổ chức biến mất sau khi chính quyền điều tra nhưng lại tiếp tục xuất hiện dưới những cái tên mới. Tất cả đều hoạt động theo cùng chiến lược: cho vay tiền nhanh chóng rồi dùng biện pháp hăm dọa, tống tiền để bắt nạn nhân trả lãi suất cao.
“Khi tôi không thể trả nợ đúng hạn, họ gửi ảnh và video khỏa thân của tôi cho con gái và con trai của tôi”, cô Vanna kể lại. Sự việc diễn ra vào đầu tháng 8. Suốt nhiều tuần sau đó, cô Vanna cho biết các con của cô tỏ ra thiếu tôn trọng và xa lánh mẹ.
Cô Vanna đã học được bài học đắt giá, cay đắng từ vay nặng lãi và trở thành nạn nhân bị lợi dụng trong hoàn cảnh tài chính khó khăn. Cô cho biết giờ cô phải gánh chịu nỗi đau đớn hàng ngày và cảm giác mặc cảm, xấu hổ trước các con.
“Cuộc đời tôi đã trở nên tồi tệ kể từ khi tôi quyết định vay tiền. Giờ đây, không ai trong gia đình muốn nói chuyện với tôi”, cô Vanna nói.
Mới đây, tổ chức nhân quyền LICADHO đã đăng báo cáo cảnh báo mối nguy hiểm của cho vay nặng lãi tại Campuchia sau dịch Covid-19. Tổ chức cho biết một số phụ nữ Campuchia đã tìm đến họ nhờ giúp đỡ về việc bị tổ chức cho vay nặng lãi “Loanly Internet” yêu cầu thế chấp ảnh khỏa thân đổi lấy khoản vay.
“Những phụ nữ này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hành vi đe dọa tống tiền. Một số thậm chí muốn tự tử, lo lắng về quan hệ hôn nhân hay an toàn của con cái”, theo nội dung báo cáo.
Việc điều tra các tổ chức này cũng rất khó khăn. Theo Tổng Cục Thuế Campuchia, các công ty cho vay trực tuyến cần đăng ký giấy phép hoạt động với Ngân hàng Quốc gia Campuchia. Song người đứng đầu cơ quan này, ông Kong Vibol cho biết không hề có dữ liệu đăng ký thuế của các công ty nói trên và cơ quan chức năng đang điều tra sự việc.
Trong khi đó, Giám đốc cơ quan tội phạm công nghệ Campuchia, ông Chea Pov cho rằng nạn nhân của cho vay nặng lãi trực tuyến thường quá mặc cảm nên không báo cáo sự việc với cơ quan chức năng.
“Chúng tôi cần bằng chứng nhưng nếu nạn nhân không nộp bằng chứng thì chúng tôi không thể làm gì khác”, ông Pov nói và cho biết hầu hết nạn nhân không muốn giao cho cơ quan chức năng hình ảnh họ đã thế chấp với bên cho vay nặng lãi.
Nhiều mạng lưới, tổ chức tại Campuchia đã được thành lập để giúp đỡ nạn nhân của cho vay nặng lãi trực tuyến. Mạng lưới “Virtues of Life” đã tập hợp trên 100 nạn nhân là phụ nữ, thu thập bằng chứng video cuộc gọi với nhân viên thuộc đường dây cho vay nặng lãi, chia sẻ những câu chuyện của người trong cuộc, chiến thuật đe dọa tống tiền của công ty cho vay nặng lãi…
Mới đây, ngày 1/9, cảnh sát tỉnh Kandal, Campuchia đã bắt 2 người đàn ông với cáo buộc cho vay lừa đảo dưới danh nghĩa công ty có tên “Diaman 55” dựa trên bằng chứng do nạn nhân cung cấp. Một người là người Campuchia làm phiên dịch cho công ty, người còn lại có quốc tịch Malaysia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận