Có nhóm đối tượng nhậu xỉn rồi ra đường ném đá xe khách như một cách để giải rượu. |
Hàng loạt các vụ ném đá xe khách diễn ra từ cuối năm 2014 đến nay. Nạn nhân là những chiếc xe khách đường dài chạy các tuyến từ TP HCM đi Tây Nguyên, miền Trung. Đã có không ít trường hợp hành khách bị thương gãy gò má, hỏng cả mắt… vì bị đá ném trúng, mảnh kính xe bay vào.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo yêu cầu các địa phương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng này.
Cũng có một số vụ việc các đối tượng ném đá bị đưa ra xét xử, trong đó đối tượng Bùi Viết Tuấn ở Đắk Lắk bị phạt tù 3 năm 6 tháng. Còn lại các đối tượng khác chỉ bị xử phạt hành chính rồi tha về. Những đối tượng này phần lớn cũng do tài xế, phụ xe bắt và giao nộp cho công an, còn địa phương rất hiếm truy tìm ra thủ phạm. Lý do mà các địa phương đưa ra là khó truy tìm vì không có bằng chứng.
Điều đáng chú ý là các đối tượng ném đá xe khách chủ yếu là những thiếu niên chưa đầy 18 tuổi, “vô công rồi nghề”, buổi tối không biết làm gì nên rủ nhau ra đường ném đá vào xe như một thú vui. Có nhóm đối tượng nhậu xỉn rồi ra đường ném đá như một cách để giải rượu. Hãy thử hình dung một chiếc xe chở 50 hành khách đang đi với tốc độ cao, tài xế bị ném đá thẳng vào mặt phải thắng gấp hoặc bị lạc tay lái. Không cần phải nói thì ai cũng biết hậu quả là khôn lường.
Sự việc không chỉ xảy ra một hai vụ mà là hàng chục vụ trong một thời gian ngắn. Cả một hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn chẳng lẽ lại chịu thua những kẻ “vô công rồi nghề”. Và thực tế vừa cho qua thấy, ở địa phương nào quyết liệt, cử công an, trinh sát điều tra thì việc truy tìm các đối tượng ném đá không phải quá khó. Vấn đề còn lại chỉ là nhận thức của lãnh đạo các địa phương về mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi ném đá như thế nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận