Khoảng 16h15 ngày 11/6, tại đoạn Km880 QL1 đoạn qua xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhận tin báo của người dân, Đại úy Trần Hải Dương- Trạm trưởng trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) chỉ đạo tổ TTKS kiểm tra, phát hiện xe ô tô loại 7 chỗ BKS 75A - 164.86 (thuộc HTX Dịch vụ vận tải ô tô Tân Trường Phát) chạy "trá hình" trên tuyến Huế vào Đà Nẵng.
Thời điểm này, tài xế Đặng Công Cường (SN 1987, trú tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển xe 74A-164.86 chở nhiều hành khách nhưng vi phạm vận chuyển khách theo hợp đồng trái quy định.
Làm việc với tổ công tác, tài xế Cường xuất trình “hợp đồng” vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ TTKS làm rõ hành vi gom khách lẻ, hợp đồng không đúng quy định. Trước bằng chứng không thể "cãi lý", tài xế ký biên bản vi phạm, bị tạm giữ GPLX, chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Trước đó, vào khoảng 10h45 cùng ngày (11/6), tổ công tác thuộc Trạm CSGT Phú Lộc kiểm tra, phát hiện xe ô tô loại 7 chỗ BKS 75A -136.28, do tài xế Nguyễn Minh Dũng (SN 1984, trú tại đường Trần Qúy Cáp, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) điều khiển vi phạm vận chuyển hành khách trái quy định.
Tài xế điều khiển “xe hợp đồng” này cũng xuất trình với tổ công tác “hợp đồng” vận chuyển khách. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ TTKS làm rõ hành vi gom khách, thực hiện việc xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe trái quy định. Với vi phạm trên, ngoài bị xử phạt, tài xế Dũng bị tạm giữ GPLX và chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Theo Đại úy Dương, đây là 2 trong hơn 10 trường hợp xe vi phạm chở khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng bị trạm CSGT Phú Lộc xử lý trong cao điểm tổng kiểm soát phương tiện hơn 20 ngày qua. Các tài xế xe trá hình dùng nhiều chiêu đối phó, hòng qua mặt tổ TTKS. Tuy nhiên, theo Đại úy Dương, tổ đã nghiên cứu, có giải pháp để đấu tranh, "bóc mẽ" chiêu trò hợp đồng khống, nhận chở người nhà, không lấy tiền...
"Xử lý nóng vi phạm xe trá hình trên đường là một giải pháp quyết liệt, nhưng để ngăn chặn vấn nạn này cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, cấp phép phù hiệu hợp đồng của ngành GTVT tỉnh. Nếu công tác hậu kiểm, rút phù hiệu, thậm chí giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh xe phù hiệu hợp đồng rốt ráo thì vấn nạn này sẽ được ngăn chặn", Đại úy Dương nói.
Trong khi đó, theo thống kê từ Sở GTVT Thừa Thiên- Huế, chỉ riêng năm 2019, sở này cấp hơn 1.600 phù hiệu xe hợp đồng, xe du lịch.
Mới đây tại buổi tiếp công dân với đại diện tập thể 80 xã viên, nhà xe các đơn vị kinh doanh tuyến buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại (chiều 10/6), ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Công an tỉnh cùng với Sở GTVT xây dựng kế hoạch, đưa cả người của đội xe buýt Huế - Đà Nẵng cùng tham gia để có thông tin, giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Ông Định yêu cầu Công an tỉnh và Sở GTVT cùng với Đội xe Huế - Đà Nẵng lên phương án và UBND tỉnh sẽ chủ trì ngồi bàn cách làm rồi cùng nhau làm thì mới ra kết quả.
Theo ông Phan Thiên Định, có thể một lần, hai lần chúng ta sơ sẩy về nghiệp vụ hoặc phản ứng không kịp thời nhưng mãi chúng ta không xử lý được đó là sự yếu kém của chính quyền. Cho nên trong lần triển khai này không để việc đó xảy ra và chúng ta bàn cách làm để đi đến điều đó chứ không phải chúng ta nói chung chung rồi sau lại quay lại như cũ rồi đưa ra câu khẩu hiệu nhưng cách làm không có thì không ổn.
Ông Định cho biết sau buổi tiếp công dân trên sẽ có văn bản ngay giao trong tháng này phải lên được một kế hoạch cụ thể và triển khai theo kế hoạch đó, đồng loạt triển khai trên tất cả các lĩnh vực, kiểm tra trên thực tế, rồi tiếp nhận để kiểm tra đột xuất, xử lý các vấn đề trên mạng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận