Nở rộ xe trá hình, Đà Nẵng căng sức xử lý
Những ngày cuối tháng 5, theo chân tổ liên ngành xử lý xe trá hình (TTGT, CSGT, Cảnh sát trật tự- Công an Đà Nẵng), PV ghi nhận hoạt động TTKS căng mình để nhận diện, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự vận tải hành khách. Ngoài tổ liên ngành cơ động khu vực hầm, đèo Hải Vân, tổ TTKS CSGT trạm cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT, Công an Đà Nẵng) duy trì chốt chặn khu vực cửa ngõ rẽ vào thành phố. Tuy nhiên, hàng loạt chiêu trò đối phó được đoàn xe "trá hình", núp bóng phù hiệu hợp đồng bắt khách lẻ, thậm chí làm giả phù hiệu, dùng xe taxi gom khách… khiến công tác xử lý thêm khó khăn, phức tạp hơn.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh TTGT Đà Nẵng cho hay, bằng các biện pháp nghiệp vụ, TTGT cùng tổ liên ngành tăng cường tuyên truyền cho chủ xe, tài xế chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh xe phù hiệu hợp đồng, phù hiệu xe du lịch. Đồng thời đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm.
Kết quả, hơn nửa tháng trong tháng cao điểm tổng kiểm tra phương tện giao thông, tổ liên ngành và TTGT Đà Nẵng xử lý gần 30 trường hợp xe trá hình, xe chở khách vi phạm quy định. Tính từ đầu năm đến nay, có hơn 90 trường hợp xe trá hình bị xử lý. Phần lớn, các xe bị lập biên bản hành chính, lỗi vi phạm phù hiệu xe hợp đồng, gom khách lẻ, không có hợp đồng theo quy định, tước GPLX...
Theo ông Nghĩa, có được kết quả bước đầu này, nhờ sự vào cuộc kiên quyết, phối hợp của các đơn vị chức năng. Ngay từ đầu cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông, ngành GTVT Đà Nẵng tham mưu UBND thành phố, tái lập tổ liên ngành, gồm TTGT, CSGT, cảnh sát trật tự... để vào cuộc. Ngoài tổ liên ngành, TTGT Đà Nẵng huy động các tổ đội TTGT phụ trách các quận, huyện chủ động tuần tra, phát hiện, xử lý các vi phạm xe trá hình. Qua đó, nhiều trường hợp xe khách BKS 76 (Quảng Ngãi) vào nội thị đón trả khách bị xử lý nghiêm.
Mới đây, ngày 25/5, tổ TTGT Đà Nẵng xử lý 2 ô tô khách BSK 76B-001.58 (mang lo go Khiêm Dung), 76B-003.16, dù cấp tuyến cố định Quảng Ngãi - TP.HCM nhưng chạy “vượt tuyến” ra tận Đà Nẵng đón trả khách. Cùng ngày (25/5), lực lượng TTGT Đà Nẵng phát hiện, xử lý xe ô tô BKS 76B-005.64 mang lo go Phước Sương ngang nhiên làm giả phù hiệu hợp đồng, "nhờn luật" khi liên tiếp vi phạm thời gian qua.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT (công an Đà Nẵng), thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an thành phố về những "tầm ngắm riêng" trong cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông, lực lượng CSGT tăng cường TTKS xử lý vi phạm xe trá hình khu vực cửa ngõ Đà Nẵng, đặc biệt, trên tuyến Huế - Đà Nẵng. Kết quả những ngày qua, có hơn chục trường hợp bị xử lý.
Cần sự đồng bộ
Ghi nận PV, dễ thấy, trong các xe trá hình bị TTKS, xử lý vi phạm thời gian qua tại Đà Nẵng, chủ yếu phương tiện mang BKS đầu 75 (Thừa Thiên- Huế), 76 (Quảng Ngãi)... Phần lớn các xe này được các địa phương Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi cấp phù hiệu xe hợp đồng, phù hiệu xe du lịch, phù hiệu taxi... gây quá tải nguồn cung vận chuyển, hợp đồng, khiến các xe này hoạt động biến tướng. Nhưng ngoài Đà Nẵng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các vi phạm trực tiếp tại hiện trường, các địa phương khác chưa có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Mới đây, Tập thể các đơn vị xe buýt liên tỉnh Huế-Đà Nẵng và ngược lại vừa phải có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đơn vị chức năng Thừa Thiên-Huế về vấn nạn bùng phát xe trá hình trên tuyến Huế- Đà Nẵng, trong đó chủ yếu là đầu xe BKS 75 nhưng đến nay địa phương này chưa có các biện pháp xử lý, ngăn chặn. Thống kê cho thấy, có đến trên dưới 250 xe trá hình thường xuyên hoạt động, gây mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí, tại đơn thư này, tập thể nhà xe buýt kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần làm rõ lo ngại tình trạng chống lưng, bảo kê, thậm chí “người nhà” của lực lượng TTKS nên không bị xử lý.
Đơn thư kiến nghị trên được Thừa Thiên - Huế tiếp nhận, chờ kết quả xác minh, làm rõ. Nhưng thực tế cho thấy, hầu hết các xe trá hình mới chỉ bị phát hiện, xử lý khi lưu thông đến khu vực Đà Nẵng.
Điển hình trưa 29/5, xe ô tô 7 chỗ BKS 75A - 152.99 vô tư đón 4 khách lẻ xuất phát từ Huế về phía Đà Nẵng. Dù qua nhiều khu vực TTKS của CSGT (Công an TP.Huế), các đội, trạm CSGT thuộc Phòng CSGT (Công an Thừa Thiên-Huế) nhưng xe này vô tư “thông chốt”. Chỉ đến khi qua hầm Hải Vân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ TTKS liên ngành Đà Nẵng kịp thời kiểm tra, làm rõ lỗi vi phạm loại hình xe hợp đồng của tài xế Nguyễn Văn M. (SN 1986, ngụ TP.HCM). Dù xe có đăng ký kinh doanh vận tải nhưng nhà xe không dán phù hiệu lên xe hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Trước đó, sáng 29/5, xe BKS 75A - 124.18 được cấp phù hiệu xe taxi (logo “Miền Trung Taxi”), vô tư xác nhận đặt chỗ khách lẻ (mức giá 120.000 đồng/khách), không bật máy tính tiền, vô tư chạy trên hành trình từ TP Huế vào Đà Nẵng. Chỉ đến khi gặp tổ liên ngành TTKS (TTGT, CSGT, CSTT Đà Nẵng) mới bị phát hiện, kiểm tra.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, cuộc chiến xe trá hình ở Đà Nẵng có kết quả bước đầu, cơ bản kiểm soát và lập lại trật tự vận tải hành khách. Tuy nhiên, vấn nạn này đang diễn biến phức tạp, tồn tại nhiều thách thức. Nếu chỉ riêng Đà Nẵng sẽ khó ngăn chặn tận gốc, rất cần sự đồng bộ, phối hợp liên ngành, liên địa phương trên tuyến.
Thời gian qua, Báo Giao thông có loạt tin, bài về vấn nạn trá hình bùng phát trên tuyến Huế- Đà Nẵng và miền Trung. Đặc biệt, thời gian ảnh hưởng dãn cách xã hội do Covid-19, các xe cố định, xe buýt bị ngưng hoạt động, các xe trá hình (chủ yếu loại 4-7 chỗ) thêm nở rộ, biến tướng, chở khách qua lại giữa các địa phương. Những ngày cuối tháng 5/2020, PV trong vai hành khách nhu cầu đi lại trên tuyến Huế-Đà Nẵng không khó để lên mạng facebook, thậm chí được các nhà xe phát card để hướng dẫn đặt chỗ, chờ xe. Sáng 27/5, trong vai hành khách, PV Báo Giao thông lên trang Facebook “Xe Đi Ké Huế Đà Nẵng” đặt chỗ đi từ Huế vào Đà Nẵng. Đúng hẹn, xe ô tô 7 chỗ BKS 75A - 176.21 đón PV tại siêu thị Big C Huế, trên xe lúc này đã có sẵn 2 hành khách. Tài xế quay đầu một mạch về hướng hầm Hải Vân...
Báo Giao thông tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận