Toàn cảnh khóa tập huấn diễn ra tại Đà Nẵng sáng nay (7/7). |
Khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về chính sách, pháp luật về ATGT quản lý kết cấu hạ tầng và quản lý vận tải, đồng thời nâng cao kỹ năng truyền thông về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông tại Việt Nam.
Ban tổ chức đã lựa chọn 2 vấn đề ATGT nóng và mang tính xã hội cao nhất hiện nay là ATGT đường bộ và ATGT đường thủy nội địa để tập huấn.
Nội dung tập huấn gồm 5 chuyên đề: Tổng quan về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATGT đường bộ, đường thủy nội địa; Văn hóa giao thông, khái niệm, tiêu chí, những vấn đề đặt ra, chung tay xây dựng văn hóa giao thông; Tăng cường quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa đảm bảo ATGT; Tăng cường quản lý vận tải, đường thủy nội địa (gồm quản lý người điều khiển, phương tiện, hoạt động vận tải) đảm bảo ATGT; Nâng cao kỹ năng truyền thông về ATGT (toàn bộ các phương thức vận tải).
Theo ông Thái, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm; ý thức chấp hành luật pháp an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao là những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. |
Ban tổ chức đã lựa chọn những giảng viên là những cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết về an toàn giao thông để phổ biến, truyền đạt các nội dung. Tài liệu tập huấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và đầy đủ, cập nhật những quy định mới nhất về văn bản quy phạm pháp luật giao thông vận tải và an toàn giao thông.
Phát biểu tại khóa tập huấn, ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm 2014 và năm 2015 là hai năm liên tiếp có số người chết vì TNGT tại Việt Nam giảm xuống 9.000 người, 6 tháng đầu năm 2016 tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gây tai nạn giao thông còn cao, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động mạnh đến dư luận xã hội như: vụ tai nạn đường thủy tại cầu An Thái (Hải Dương), cầu Ghềnh (Đồng Nai), lật tàu du lịch trên sông Hàn (Đà Nẵng), 2 vụ tai nạn xe khách tại Bình Thuận và Lâm Đồng làm 20 người chết, 45 người bị thương. Tình trạng chở quá tải trọng, chở quá số người quy định, vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, tránh vượt sau quy định, không đội mũ bảo hiểm, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông… vẫn còn tồn tại, số người chết do TNGT tháng 5, tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Thái, nguyên nhân là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm; ý thức chấp hành luật pháp an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao.
“Do đó, cần có sự cố gắng và nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông để đạt được mục tiêu giảm từ 5 – 10% số vụ, số người chết, bị thương hàng năm. Trong đó, vai trò của Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành và trực tiếp là Văn phòng Ban An toàn giao thông, phòng Giao thông vận tải là rất quan trọng trong công tác tham mưu, phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác an toàn giao thông cần phải được quan tâm và phải làm thường xuyên”, ông Thái đề nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận