Làm thế nào để nâng cao văn hóa an toàn hàng không cho người đi máy bay vẫn là chuyện thời sự. Khi nước ta mở cửa hội nhập, những hành vi đó khiến người Việt trở nên xấu xí trong mắt người nước ngoài. Về chuyện chậm, hủy chuyến bay, nhiều hãng hàng không nước ngoài còn có tỷ lệ cao hơn nhiều so với hàng không Việt Nam nhưng hành khách phản ứng rất văn minh. Họ có thể tản ra đọc sách, nghỉ ngơi, đi mua sắm trong sân bay, không một lời to tiếng... Trong khi ở Việt Nam, nhẹ là khách phàn nàn, cau có, nặng hơn thì chửi bới, cãi cự, la lối, thậm chí đánh chửi cả nhân viên hàng không.
Có thể kể ra rất nhiều vụ việc như vậy diễn trong thời gian qua. Đơn cử, trên chuyến bay mang số hiệu VJ8901 từ TP HCM đi Bangkok (Thái Lan) của Vietjet Air hồi tháng 6 vừa qua, một nữ hành khách SN 1986 đã liên tục có những hành động gây rối tại sân bay và trên tàu bay. Sự việc diễn ra khi tới quầy làm thủ tục, cô này mang hành lý quá cước và được nhân viên mặt đất nhắc nhở. Tuy nhiên, khách không hợp tác và dùng lời lẽ thô tục để mắng mỏ các nhân viên. Khi lên tàu bay, nữ hành khách này một lần nữa không để hành lý cá nhân đúng quy định. Tiếp viên đã nhắc nhưng vị khách vẫn tiếp tục có thái độ khiếm nhã làm mất trật tự trên tàu bay.
Trước sự việc trên, cơ trưởng của chuyến bay đã quyết định quay lại, dù lúc này tàu bay đang lăn bánh trên đường băng, chuẩn bị cất cánh. Lý do cơ trưởng từ chối không vận chuyển và bàn giao khách cho Cảng vụ Hàng không miền Nam xử lý là nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay.
Sự việc khiến chuyến bay chậm một tiếng đồng hồ, không chỉ ảnh hưởng về vật chất mà còn gây phiền hà cho gần 180 người đi cùng, cũng như hành khách các chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền.
Hay vụ việc trên chuyến bay VJ8684 từ TP HCM đi Hà Nội ngày 30/8 của Vietjet, hành khách Nguyễn Văn T. còn bị khống chế vì gây “loạn”, la hét, kêu gào trên máy bay, làm phiền hành khách khác. Khách này còn có hành vi xô đẩy tiếp viên, đe dọa an toàn trên chuyến bay.
Nhật Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận