Thế giới

NATO rầm rộ chuyển quân đến Đông Âu

29/10/2016, 07:03
image

Bộ Quốc phòng Anh và Mỹ đồng loạt thông báo sẽ điều động hàng nghìn binh lính, máy bay chiến đấu tới Đông Âu.

Các binh sĩ thuộc quân đội các quốc gia thành viên
Các binh sĩ thuộc quân đội các quốc gia thành viên NATO trong cuộc tập trận Annakonda 2016 ở Ba Lan hồi tháng 6 năm nay. Ảnh: AP

Bộ Quốc phòng Anh và Mỹ đồng loạt thông báo sẽ điều động hàng nghìn binh lính và máy bay chiến đấu tới Đông Âu, cụ thể là tới Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, trong một nỗ lực nhằm củng cố khu vực biên giới phía Đông của khối đồng minh gồm 28 quốc gia trong năm 2017, theo Reuters ngày 27/10.

Kế hoạch “khủng” nhất sau Chiến tranh Lạnh?

Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng lực lượng gần biên giới Nga lớn nhất, kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo nhận định của Reuters. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, các nỗ lực nhằm đối phó với việc Nga triển khai 330.000 quân đến sườn phía Tây của nước này.

Trong một cuộc họp ở Brussels hôm 26/10, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO và đồng minh cam kết xây dựng lực lượng hùng hậu ở khu vực này, cụ thể: Thiết lập bốn lực lượng thiện chiến với khoảng 4.000 quân từ đầu năm 2017 và lên kế hoạch xây dựng một lực lượng phản ứng nhanh lên tới 40.000 quân hỗ trợ.

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ triển khai một “tiểu đoàn đặc nhiệm sẵn sàng chiến đấu” với khoảng 900 binh sĩ tới miền Đông Ba Lan. Ngoài ra còn có một lực lượng nữa được trang bị xe tăng và các thiết bị vũ khí hạng nặng khác tới Đông Âu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, sẽ gửi một tiểu đoàn 800 quân tới Estonia bắt đầu từ tháng 5 năm sau, cùng với sự hỗ trợ của quân đội Pháp, Đan Mạch. Ngoài ra, London cũng gửi một loạt chiến đấu cơ Typhoon tới Romania, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra Biển Đen. “Mặc dù chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng chúng tôi sẽ hành động trong kế hoạch bảo vệ sườn phía Đông và phía Nam của các quốc gia đồng minh NATO”, ông Fallon tuyên bố.

Canada cũng thông báo gửi 450 quân tới Latvia, Italia gửi 140 quân, Đức sẽ gửi khoảng 400-600 quân đến Lithuania. Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Croatia và Luxembourg cũng không nằm ngoài kế hoạch.

Bà Heather Conley, Giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, cho rằng, việc NATO duy trì 4 tiểu đoàn luân phiên ở Đông Âu là một động thái “thách thức dài hạn” đối với Nga.

“Hợp thức hóa” chạy đua quân sự ở Đông Bắc Âu

Thực ra, động thái của NATO không phải điều gì quá mới mẻ. Trong một loạt các cuộc họp từ đầu năm tới nay, NATO đều loan báo về việc đã sẵn sàng cho việc chống lại “hành động gây hấn của Nga”. Song, giới quan sát cho rằng mọi thứ có lẽ chỉ là cái cớ để NATO “hợp thức hóa” việc chạy đua quân sự ở vùng Đông Bắc Âu. Chưa kể, mới đây, ông Stoltenberg cáo buộc Nga đơn phương triển khai tên lửa có khả năng mang hạt nhân Kaliningrad và đình chỉ thỏa thuận plutonium với Mỹ, đồng thời cho rằng Moscow tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy ở Ukraine.

Mối quan hệ Nga-NATO đã trên đà “lao dốc không phanh” hồi đầu tháng này, khi Washington tuyên bố chấm dứt đối thoại với Moscow về vấn đề Syria. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, tình hình tại Syria đang ngày càng xấu đi và cách duy nhất để tạo sự thay đổi tại Syria là tiếp tục trừng phạt, gây sức ép với Nga. Tuyên bố của ông Tusk chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, khi Nga và phương Tây đang “như mặt trăng-mặt trời” trong cách giải quyết cuộc nội chiến kéo dài tại Syria.

Hôm qua, RT dẫn lời Sergei Ermakov, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược của Nga nhận định về động thái của NATO rằng điều đó không đáng ngại. “Về cơ bản, đây là một dạng thay đổi từ việc triển khai quân luân phiên thông thường lên hiện diện thường trực. Và NATO đang thử nghiệm một cuộc điều quân mạnh mẽ. Chúng tôi đã chứng kiến việc NATO triển khai lực lượng trước đó tới Đông Âu”, ông Ermakov nói và giải thích thêm rằng, lực lượng NATO ở Đông Âu thực chất không “nguy hiểm” như vẻ ngoài mà họ đang cố tình… phô trương: “Trên giấy tờ, lực lượng này đang vượt gấp nhiều lần so với tiềm năng quân sự của Nga. Nhưng họ thiếu sức mạnh chiến đấu thực sự”.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.