Tái diễn tình trạng ô tô bị ném đá khi đang lưu thông
Tối 27/3, sau khi cùng nhau uống rượu, Y Ky Ayun (23 tuổi, trú tại Đắk Lắk) và nhóm thiếu niên cùng xã rủ nhau ném đá ô tô trên đường, làm hư hỏng xe ô tô do một phụ nữ điều khiển rồi bỏ chạy. Quá trình điều tra xác minh, Công an huyện Krông Búk đã khởi tố đối tượng này về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản".
Hòn đá nặng gần 1kg xuyên thủng kính và rơi vào ghế sau xe của anh Trương Tuấn A. khi đang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình
Trước đó, khoảng 20h45 tối 15/2, anh Trương Tuấn A. (trú tại Thái Nguyên) điều khiển ô tô lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, khi đến Km226, bị hòn đá nặng khoảng 1kg rơi trúng làm vỡ kính xe, nghi bị người lạ ném đá từ trên cầu vượt xuống. Thời điểm xảy ra sự việc, bên ghế phụ phía trước còn có người ngồi nhưng may mắn không ai bị thương.
Tại khu vực Tây Nguyên, thời gian qua, báo chí cũng liên tiếp phản ánh tình trạng ném đá xe khách gây hư hỏng nhiều tài sản. Điển hình như, tối 6/2, xe khách nhà xe Phúc Hải đang chở khách lưu thông trên đường Hồ Chí Minh từ Gia Lai đi Lâm Đồng. Khi qua địa bàn xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) xe khách bất ngờ bị ném đá, tuy không ai bị thương nhưng tâm lý hành khách hoảng loạn và vỡ nhiều tấm kính bên thân xe.
Đây chỉ là số ít những vụ ném đá ô tô lưu thông trên đường xảy ra gần đây. Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, đây là hành vi nguy hiểm, được nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ, không chỉ gây mất an toàn cho người ngồi trên xe mà còn làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện của tài xế, gây ra TNGT và để lại hậu quả với những người tham gia giao thông khác, đặc biệt đối với các xe đang lưu thông trên cao tốc với tốc độ cao.
Đồng quan điểm, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh VP Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích: Trên cao tốc, ô tô có thể di chuyển với tốc độ tối đa 120km/h, nếu một viên gạch, đá ném theo chiều ngược lại tốc độ 40 - 60km/h thì được cộng hưởng hai tốc độ tương đương gần 200km/h, khi tác động vào phương tiện, có thể làm vỡ kính, hư hỏng phương tiện, thậm chí là gây tai nạn nghiêm trọng.
Hàng loạt xe khách bị ném đá vỡ kính khi lưu thông trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đầu năm 2023
Phải xử lý nghiêm, truy trách nhiệm hình sự
Theo TS. Tạo, đa số những vụ việc trên xảy ra do một bộ phận thanh, thiếu niên chơi bời, rủ nhau ném đá ô tô để “thể hiện” nhưng không nhận thức được mức độ nguy hiểm của hành vi này.
Tuy nhiên cũng không loại trừ nguyên nhân đối thủ cạnh tranh của các nhà xe thuê người để “trả đũa”, do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để truy tìm, điều tra nguyên nhân để có hình thức xử lý thích đáng.
Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định phạt tiền đối với người thực hiện hành vi trên, tuy nhiên, TS. Tạo cho rằng, để tăng tính răn đe, ngăn chặn triệt để, phải yêu cầu chịu trách nhiệm bồi thường hư hại gây ra cho phương tiện, người điều khiển và hành khách trên ô tô. Đây mới là mức phạt nặng về hành chính, bởi chỉ cần làm vỡ kính một chiếc ô tô hạng sang hay ô tô khác có thể gây thiệt hại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, đây còn là hành vi phá hoại tài sản, sức khỏe con người do đó, cần xem xét mức độ ảnh hưởng, bên cạnh xử lý hành chính còn có thể xử lý hình sự, phạt tù để răn đe.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người thực hiện hành vi ném đá ô tô sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức.
Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật cho biết, nếu người ném đá có đầy đủ nhận thức, năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với mục đích cố ý làm hư hỏng phương tiện hoặc vô ý nhưng nhận thức được hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện, cộng với thiệt hại tài sản ở mức từ 2 triệu đồng trở lên là hành vi có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng còn bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp khiến người trên ô tô bị thương, nếu xác định là hành vi vô ý dẫn tới thiệt hại sức khỏe cho người khác từ 31% trở lên hoặc làm chết người, có thể bị khởi tố về tội Vô ý gây thương tích hoặc Vô ý làm chết người tại các Điều 138, 128, Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu là hành vi cố ý, gây thương tích cho người trong xe từ 11% trở lên hoặc dưới 11% có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích. Trường hợp dẫn đến hậu quả chết người có thể bị khởi tố tội Cố ý làm chết người, tùy thuộc mức độ hậu quả, người vi phạm có thể phải chịu các tình tiết tăng nặng định khung.
Theo luật sư Bình, hành vi ném đá vào xe đang chạy tốc độ lớn rất nguy hiểm và cần được ngăn chặn một cách quyết liệt. Tuy nhiên, khi thanh, thiếu niên vi phạm, một bộ phận phụ huynh, chính quyền địa phương lại xuề xoà cho rằng, đó là hành vi “nghịch dại”, chỉ nhắc nhở, viết cam kết mà không xử phạt và yêu cầu bồi thường theo quy định dẫn đến không tạo được tính răn đe.
Đồng quan điểm, TS. Tạo nhấn mạnh, sau mỗi vụ việc, lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt, tìm ra bằng được thủ phạm ném đá và xử lý nghiêm, từ đó, mới đủ sức răn đe, giáo dục.
Các chuyên gia khuyến cáo sắp vào dịp nghỉ hè, tình trạng ném đá xe trên đường sẽ phức tạp do đó cần tăng cường tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong giám sát, cảnh báo
Tăng tuyên truyền, ứng dụng công nghệ giám sát
Thượng tá Phạm Việt Công nhìn nhận, bên cạnh xử lý nghiêm, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục quy định pháp luật cũng như chế tài xử phạt và các vụ việc tương tự đã bị cơ quan điều tra khởi tố, xử lý để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt những người sinh sống quanh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Đối với học sinh, cần phối hợp với nhà trường, gia đình để có chế tài quản lý, xử lý, giáo dục một cách chặt chẽ, thường xuyên.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Xây dựng công trình Bắc Nam, đơn vị quản lý bảo trì tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên cho biết, thời gian trước, tại tuyến đường này cũng xảy ra vụ việc ô tô bị ném đá tuy nhiên, gần đây đã không còn.
“Ngoài việc phối hợp với cơ quan điều tra để truy tìm và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, tuyên truyền đến người dân, đơn vị còn bố trí đội tuần đường thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình giao thông, an ninh trật tự trên tuyến. Khi phát hiện các đối tượng tụ tập ở cầu vượt, lập tức nhắc nhở hoặc liên lạc với công an địa phương để phối hợp, nhắc nhở, không cho tụ tập, ngăn chặn những hành vi nguy hiểm có thể xảy ra”, ông Thắng nói và cho biết: Mỗi dịp nghỉ hè, lo ngại về việc tái diễn hành vi trên lại tăng cao. Do đó, trước khi học sinh nghỉ hè, đơn vị thường phối hợp với lực lượng chức năng và nhà trường tuyên truyền, quán triệt học sinh khi nghỉ học không tụ tập thực hiện hành vi này để đảm bảo an toàn và không vi phạm pháp luật.
Về lâu dài, theo TS. Tạo, cần ứng dụng công nghệ, lắp đặt camera ở các tuyến cao tốc, quốc lộ chính để nâng cao khả năng giám sát, khi phát hiện có dấu hiệu thanh, thiếu niên tụ tập, lập tức phát loa cảnh báo, nhắc nhở để kịp thời ngăn chặn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận