Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Ảnh: Cao Tuân) cho hay: Chùa Hương thờ Phật trong nghi thức xưa chỉ có bố thí, không có phát lộc. |
Tháng Giêng là giai đoạn nhiều lễ hội truyền thống lớn diễn ra. Đây cũng là thời điểm nổi cộm các vấn đề nhức nhối như chen lấn, xô đẩy đi hội, tranh cướp lộc, tranh cướp vật thiêng hỗn loạn… Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, Báo Giao Thông trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian (VHDG) Nguyễn Hùng Vĩ xoay quanh câu chuyện lễ hội đầu năm.
Nhìn vào thực tế, nhiều địa phương đua nhau phục dựng lễ hội cũ, doanh nghiệp liên tục tổ chức các lễ hội mới. Ở góc độ một chuyên gia về văn hóa, việc nở rộ lễ hội này theo ông là dấu hiệu tích cực hay tiêu cực?
Khâu tổ chức quyết định phần lớn. Ít lễ hội mà làm tiêu cực thì nó vẫn tiêu cực. Ước tính ở nước ta, cứ khoảng 8 làng thì có 1 lễ hội. Mà 1 làng có cái ăn chơi, 7 làng khác không có thì nghĩ cũng tội. Hơn nữa, các làng không có lễ hội thì đời sống văn hóa của họ không phong phú, chưa kể còn tạo điều kiện cho tệ nạn khác phát triển.
Những hình ảnh mới nhất ghi lại ở nhiều lễ hội vẫn có hỗn loạn, tranh cướp… Chẳng lẽ những hình ảnh hỗn loạn, cướp đoạt ấy cũng là một phần của truyền thống, thưa ông?
Ở chùa Hương thì chuyện phát lộc vốn không có trong truyền thống. Các chùa thờ Phật trong nghi thức xưa chỉ có bố thí, không có phát lộc. Người này đi cúng Phật, Phật bố thí phần đó cho người khác. Ta hay có kiểu tự phát như vậy... Như phát ấn Quang Trung Linh Tự ở núi Dũng Quyết là tự bịa ra đấy chứ.
Còn hội Gióng thì tranh lộc là thuộc truyền thống. Đây là hội Thánh chứ không phải hội Phật, nó gọi là lộc thánh. Nhưng ngày xưa ít người tham gia nên không đến nỗi tranh cướp như bây giờ.
Cảnh xô đẩy, tranh cướp ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Nam Trần |
Số người đi chơi hội tăng, số lễ hội cũng tăng, song vẫn phải chen chúc nhau. Phải chăng nhu cầu của người dân quá lớn?
Do số người tham gia các lễ hội ở thời điểm hiện tại nhiều gấp… 30 lần số lễ hội được tổ chức. Từ năm 1945, dân số đã tăng lên 4 lần, giao thông thuận lợi hơn. Ngày xưa chủ yếu đi bộ, người khỏe mới đi trẩy hội. Giờ có ô tô, xe máy, máy bay, cả trẻ con cũng có thể đi theo. Người tăng lên, mà vẫn cái đình ấy, vẫn cái chùa ấy, vẫn chừng ấy ngày. Tất cả tụ về trong 1 khoảng thời gian sẽ gây ra sự bùng nổ chen lấn.
Ở hội Gióng ngày xưa người tham dự đa phần đến từ các làng lân cận, biết nhau cả, không thông gia thì cũng bà con, anh em nên tranh chứ không đến mức “cướp”. Giờ chẳng biết ai vào ai, hễ có cướp lộc, tranh ấn là hỗn loạn mất trật tự.
Vậy liệu có cách nào để giải quyết những sự hỗn loạn này? Là một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm, ông có thể đưa ra giải pháp không?
Vẫn có thể phát lộc, nhưng nên tổ chức cẩn thận, dựng rào chắc chắn, hướng dẫn người dân đi lần lượt. Có những chùa đã làm thế và thành công: Ví dụ như ở chùa Hoằng Phúc (Quảng Bình) tổ chức hội vào 20 tháng Giêng năm 2016. Người ta đã làm lối vào và ra riêng biệt, đập cả tường để làm cổng ra mới, sao cho dòng người vào là một chiều, yêu cầu đi theo hàng 2 người một đôi. Lực lượng bảo vệ được tài trợ hẳn hoi để đảm bảo công tác an ninh.
Khâu chuẩn họp hành chuẩn bị tổ chức rất quan trọng. Chùa Hoằng Phúc năm vừa rồi, do mới làm nên tổ chức rất công phu, họp trước cả tháng 12, phối hợp chặt chẽ với cả UBND huyện Lệ Thủy và UBND tỉnh Quảng Bình, làm như một chiến dịch lớn vậy.
Bên cạnh vấn nạn xô đẩy là các tập tục bạo lực. Nhiều nơi đã thay đổi, như hội “chém lợn” ở Ném Thượng (Bắc Ninh) chém ở hậu cung kín, hội “cầu trâu” (Phú Thọ) dùng vồ cao su đập tượng trưng. Theo ông liệu “cách điệu hóa” như thế có phải là cách làm hợp lý?
Trước hết, lễ hội “chém lợn” đó do các cụ trong làng khôi phục từ 1995, hoàn toàn khác sử sách ghi chép đầu thế kỷ 20. Từ cái sai đó mới dẫn tới dư luận lên tiếng, chính quyền vào cuộc. Việc họ thay đổi bằng cách đưa lợn vào chém ở hậu cung là một bước tiến rồi.
Nhưng theo tôi, sẽ còn tiến hơn nếu biến nó thành một phương thức biểu diễn. Tục cướp vợ ở Anh vốn cướp thật, giờ được chuyển thành… thi cõng vợ, nổi tiếng thế giới. Tại sao không làm thế nào để nghệ thuật hóa nó mà vẫn giữ được sự tôn nghiêm. Chúng ta có đội ngũ các nhà làm nghệ thuật đi học Tây, học Tàu rất giỏi, tại sao không làm được những việc như tổ chức một vở kịch đuổi lợn diễn xướng?
Lễ "chém lợn" được sửa đổi để bớt yếu tố bạo lực phản cảm |
Các ý kiến đòi bỏ Tết cổ truyền thường có luận điểm: Quá nhiều lễ hội dồn vào dịp Tết và sau Tết, người dân mang tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên chơi dông dài, lao động chây ỳ, kinh tế đình trệ. Theo ông nói như thế có hợp lý?
Câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” là một câu ca dao. Ta đừng đọc câu ca dao trở thành một nếp sống, một quy ước.. Tháng Giêng nhiều người lao động, thương nhân, nông dân vẫn cứ làm việc chăm chỉ từ xưa đấy chứ. Trong tết Tây tôi gặp nhiều sinh viên không thể về quê, họ đi làm thêm từ bảo vệ cho tới rửa chén bát… Còn những người “ăn chơi” mà có điều kiện thì họ vẫn có thể chơi… thoải mái.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận