Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND TP Hà Nội dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ ngày 1/1/2023 do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.
Theo Sở Xây dựng, việc thu phí vào cửa công viên Thống Nhất thực hiện theo quyết định ngày 20/10/2008 của UBND thành phố. Trong đó, mức phí với trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, chỉ giải quyết hơn 50% kinh phí trả lương cho nhân viên bán vé.
Công viên Thống Nhất có 7 lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Tạ Hải
Cụ thể, tiền bán vé năm 2019 gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng.
Trong khi đó, Công ty Công viên Thống Nhất bố trí 22 nhân viên bán vé theo 3 ca, tại 7 cổng. Số tiền trả lương cho nhân viên bán vé gần 110 triệu đồng một tháng (gần 5 triệu đồng một người), khoảng 1,3 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, việc bán vé vào cổng công viên cũng bị phản ánh là không hợp lý khi những người vào công viên tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà đi qua cổng không phải mua vé. Còn học sinh, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề đều bị thu 4.000 đồng mỗi lượt.
Công viên Thống Nhất có diện tích lớn nhất Hà Nội (khoảng 50ha, diện tích mặt nước hơn 20ha), có 7 lối vào, trong đó cổng chính nằm bên mặt phố Trần Nhân Tông.
Từ khi hoạt động cho đến nay, đây vẫn luôn là địa điểm vui chơi cuối tuần không thể bỏ qua của người dân Hà Nội nói riêng và khách du lịch thập phương khi đến đây nói chung.
Thật ra, việc thu tiền bán vé vào công viên thì nhiều người đã có ý kiến từ lâu. Nhưng có lẽ do số tiền không quá lớn nên dường như mọi người cũng không quá bận tâm, cho đến khi có đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội vừa rồi.
Trước tiên, cần phải khẳng định công viên nơi công cộng, là khoảng không gian xanh của đô thị mà bất cứ người dân nào cũng có thể vào, bất kể khung giờ nào.
So sánh với TP.HCM, nhiều công viên rất đẹp, thoáng mát cũng không hề bán vé mà luôn mở cửa tự do cho tất cả người dân.
Hiện nay nhiều địa phương khác cũng đã không còn tổ chức bán vé vào cổng công viên mà chỉ bán vé vào những khu dịch vụ vui chơi những trò chơi có tính chất đầu tư thu phí, ai có nhu cầu và khả năng tài chính thì sử dụng dịch vụ và trả tiền. Vậy thì với Hà Nội, lý do gì lại thu tiền bán vé vào một trong những công viên đẹp nhất, có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc?
Hơn nữa, việc duy trì bộ máy nhân viên bán vé với 22 người cũng là một điều khó hiểu. Một bộ máy được dựng lên chỉ để thu tiền, trong khi số tiền thu được không đủ để trả lương thì liệu có nên duy trì nữa hay không? Ngân sách của Hà Nội chắc chắn cũng dư sức để chi cho việc tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc cây cỏ, các hạng mục khác… chứ không phải trông chờ từ việc bán vé thu tiền.
Bởi vậy, trước ý kiến của dư luận, Hà Nội nên lắng nghe và đưa ra quyết định phù hợp. Đây không phải là việc quá lớn, song nó cũng góp phần khiến hình ảnh của một Thủ đô thanh lịch, văn minh đẹp hơn trong mắt người dân và du khách. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với số tiền ít ỏi thu được thông qua việc bán vé vào công viên.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính VN
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận