Doanh thu tăng vọt
Nhiều năm qua, các nền tảng OTT xuyên quốc gia như AppleTV, Netflix, iQIYI… với 1 triệu thuê bao đang không ngừng tăng mạnh tại Việt Nam.
Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát, dịch vụ phát hành trực tuyến trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt nam.
Netflix có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016
Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix hiện đã đặt trụ sở tại hơn 190 quốc gia. Năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam và hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Với mức phí thuê bao 180.000 - 260.000 đồng/tháng, ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm tại thị trường 100 triệu dân này.
Báo cáo riêng về Netflix trên NASDAQ cho thấy, doanh thu quý II năm 2021 đạt 7,34 tỷ USD tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. "Gã khổng lồ" hút thêm 209,18 triệu người dùng trả phí trên toàn cầu, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, doanh thu là triệu USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 10,9% tổng doanh thu. Sô thuê bao đăng ký trả phí tăng 24% so với quý trước lên 27,88 triệu người.
Tuy nhiên, con số này của Netflix vẫn đứng sau số lượng người dùng của nền tảng Viu (Trung Quốc) tại thị trường Đông Nam Á. Theo báo cáo của Media Partners Asia, Viu hiện là dịch vụ phát trực tuyến lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Disney+, với doanh thu tăng 29% trong nửa đầu năm 2021.
Không kém cạnh, trang Cision PR Newswire dẫn lại báo cáo của iQIYI đạt đạt 7,6 tỷ nhân dân tệ (1,2 tỷ USD) trong quý II năm 2021, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người dùng đã lên đến con số 106,2 triệu (tính đến hết tháng 6/2021).
Khi nào Netflix buộc phải nộp thuế?
Hãng tin AFP thừa nhận, các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu như Amazon, Google và Netflix thường trả rất ít thuế ở những quốc gia mà họ không đặt trụ sở đại diện.
Trong đó, tại Việt Nam, các nền tảng OTT xuyên quốc gia vẫn ở “ngoài vòng pháp luật” khi không có giấy phép cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam vì là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quochoi.vn
Trước đó, Báo Giao thông đã thông tin, trả lời tại phiên họp Quốc hội ngày 6/11/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh AppleTV, Netflix, iQIYI, Google, Amazon, Facebook và Apple... phát sinh doanh thu tại Việt Nam hàng tỷ USD nhưng vẫn chưa đóng thuế.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đóng thuế và kiểm soát dòng tiền thanh toán.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng hiện Việt Nam có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao, doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng/năm.
Còn tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV, WeTV đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao, doanh thu ước tính gần 1.000 tỉ đồng.
Netflix là một trong những nền tảng OTT xuyên quốc gia khai thác người dùng ở Việt Nam nhưng chưa đóng thuế
Thực tế, các OTT xuyên quốc gia hoạt động kinh doanh không thông qua một đối tác quảng cáo ở Việt Nam, không có trụ sở chính thức tại Việt Nam mà tự thu tiền về tài khoản của mình.
Đây cũng là một trong những lỗ hổng pháp lý ở Nghị định 06 năm 2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới.
Theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 15/9 tới đây, các nền tảng mạng xã hội, trong đó Google, Facebook, Netflix, Youtube... sẽ phải nộp thuế đầy đủ tại Việt Nam bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua bên thứ 3 là ngân hàng, trung gian tài chính.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, song hành với việc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Tài chính hiện đang gấp rút hoàn thiện các quy định về khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam phải đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế thì bên được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì bên mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Trước đó, kể từ ngày 1/8/2021 Thông tư 40/2021 của Bộ Tài đã chính chính thức có hiệu lực. Theo đó, toàn bộ các sàn giao dịch doanh thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam bắt đầu phải kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.
Thế giới đánh thuế Netflix như thế nào?
Tháng 7/2020, Indonesia đã chính thức đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% lên Netflix cùng các công ty công nghệ như Amazon, Google hay Spotify.
Theo quy định mới, các doanh nghiệp nước ngoài bán sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia đạt doanh số ít nhất 600 triệu rupiah (hơn 966 triệu đồng) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế VAT.
Nhiều nước trên thế giới siết chặt vấn đề thuế đối với nền tảng OTT
Đến tháng 11/2020, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ đang chuẩn bị một dự luật theo đó áp dụng mức thuế 5% lên các nền tảng giải trí trực tuyến như Netflix và sử dụng số tiền này để phát triển điện ảnh trong nước.
Cụ thể, các nhà cung cấp có doanh thu hơn 50 triệu euro được tạo ra từ các dịch vụ ở Tây Ban Nha phải phân bổ 5% doanh thu này để tài trợ cho các tác phẩm nghe nhìn của châu Âu hoặc đóng góp cho Quỹ Bảo vệ Điện ảnh.
Trong số đó, 70% phải được sử dụng để tài trợ cho các tác phẩm của các nhà sản xuất độc lập, bên cạnh mức tối thiểu 40% được dành cho các bộ phim độc lập "bằng bất kỳ ngôn ngữ chính thức nào của Tây Ban Nha".
Đối với những công ty có doanh thu dưới 50 triệu euro, số 5% doanh thu nói trên có thể được chuyển sang mua bản quyền các sản phẩm hoàn chỉnh của châu Âu, nhưng ít nhất 70% phải dành cho các tác phẩm của các nhà sản xuất độc lập.
Còn những công ty có thu nhập dưới 10 triệu euro ở Tây Ban Nha sẽ được miễn khoản đề xuất trên.
Tháng 5/2020, nghị sĩ Joey Salceda của Philippines đề xuất dự luật đánh thuế vào Netflix và nhiều công ty công nghệ nước ngoài. Theo đó, biện pháp này có thể mang về cho Philippines gần 573 triệu USD hằng năm, giúp nước này hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19.
Ngay tại Mỹ, nhiều tiểu bang cũng cố gắng tạo ra nguồn thu từ xu hướng phát triển của các dịch vụ truyền phát trực tiếp phim ảnh, âm nhạc và nhiều loại nội dung truyền thông khác. Một trong những cách được áp dụng là đánh thuế hằng tháng đối với các lượt đăng ký sử dụng dịch vụ.
CNBC cho biết một nửa số tiểu bang tại Mỹ đã bắt đầu đánh thuế trên đăng ký của người dân cho các ứng dụng Hulu, HBO Now và Amazon Prime.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận