Chiến sự tại miền Đông Ukraine được dự báo sẽ căng thẳng hơn nữa |
Trục xuất ngoại giao
Phản ứng đầu tiên là Tổng thống Nga Putin ra về trước khi Hội nghị G20 ra thông báo chung. Mặc dù chưa đưa ra chính sách cụ thể nào, nhưng có thể thấy rõ sự cứng rắn của Nga ngay sau khi ông Putin trở về nước.
Trước tiên là việc nối lại các chuyến bay chiến lược. Đây là động thái nhằm đáp trả hành động của Mỹ ở gần biên giới Nga. Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ARD ngày 17/11, ông Putin tuyên bố Moscow nối lại các chuyến bay chiến lược tại các khu vực tuần tra xa là nhằm đáp lại hành động của Mỹ, song cũng khẳng định các cuộc diễn tập của Nga chỉ diễn ra ở hải phận và không phận quốc tế. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, Nga có kế hoạch mở rộng các chuyến bay tuần tra tầm xa để bao quát vịnh Mexico, khu vực biên giới Nga cũng như Bắc Băng Dương. Kế hoạch của Nga đưa ra sau khi NATO, trong đó có Mỹ, đẩy mạnh các hoạt động gần biên giới Nga, cả khu vực biển Đen và biển Baltics.
Tiếp đó, ngày 17/11, Bộ Ngoại giao Nga đã trục xuất một số nhà ngoại giao Ba Lan do có “hành động không phù hợp với quy chế ngoại giao” - cụm từ giới ngoại giao sử dụng để chỉ các hoạt động gián điệp. Vụ việc này diễn ra sau khi Warsaw trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Chính phủ Ba Lan đã có “bước đi không thân thiện và hoàn toàn vô căn cứ” khi trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Do đó, Nga phải đưa ra các biện pháp đáp trả tương ứng, trong đó có việc một số nhà ngoại giao Ba Lan phải rời khỏi lãnh thổ Nga.
Trước đó, ngày 13/11, truyền thông Ba Lan đưa tin nhà chức trách nước này đã trục xuất một số nhân viên Đại sứ quán Nga tại Ba Lan vì lý do tương tự. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận thông tin trục xuất một nhân viên Đại sứ quán Đức tại Moscow nhằm đáp trả hành động không hữu nghị của chính quyền Berlin đối với nhân viên cơ quan đại diện Nga tại Đức. Hôm 16/11, truyền hình Nga đưa tin ông Aleksejs Holostovs, cựu nghị sĩ Quốc hội Latvia, cũng đã bị trục xuất khỏi Nga.
Miền Đông Ukraine căng thẳng
Theo các nhà quan sát thì những nhân viên ngoại giao bị trục xuất đều là của những nước cáo buộc và chỉ trích Nga mạnh mẽ thời gian qua về vấn đề Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng, việc các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng chỉ trích thẳng thừng các chính sách của Nga và việc ông Putin về sớm cho thấy không bên nào muốn giữ vẻ bề ngoài khách sáo nữa. Ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng có liên hệ với Điện Kremlin, cảnh báo rằng sự lên án của phương Tây chỉ càng làm cho ông Putin thêm cứng rắn. Ông Stanislav Belkovsky, một nhà phân tích độc lập người Nga thậm chí cảnh báo: “Nếu ông Putin rời khỏi Brisbane (nơi tổ chức hội nghị G20) trong tâm trạng bực mình, hãy chờ xem chiến sự sẽ càng ác liệt ở Ukraine”.
Trong cuộc họp ngày 17/11 tại Brussells, Bỉ, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng bạo lực gia tăng tại miền Đông Ukraine. Trái với dự đoán, các nước EU không đưa ra bất cứ biện pháp trừng phạt kinh tế mới nào nhằm vào Nga, nhưng lại đưa ra các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với lãnh đạo lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. Dự kiến, danh sách cụ thể sẽ được công bố vào cuối tháng này.
Hôm qua (18/11), phản ứng trước quyết định của Liên minh châu Âu, Nga bày tỏ hy vọng các mối quan hệ với EU chưa vượt quá ngưỡng không thể cứu vãn liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine sau khi Brussels công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào phe ly khai thân Moscow. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng vẫn chưa vượt quá ngưỡng không thể vãn hồi”.
Hà Ngọc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận