Báo Sputnik dẫn lời ông Anatoly Kapustin, Chủ tịch, thành viên Ủy ban điều hành Hiệp hội Luật pháp Quốc tế Nga cho biết, Moscow có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đề xuất của Mỹ bán lại các hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Trước đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Hoa Kỳ John Thune đề xuất giải quyết mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đối với các hệ thống phòng không S-400 bằng cách mua lại các tên lửa này từ Ankara.
Điều kiện cho việc này là Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo sẽ không mua các thiết bị quân sự khác không tương thích với các yêu cầu của NATO bằng số tiền thu được.
"Đề xuất này hoàn toàn phù hợp với diện mạo của "chú Sam" - một nhân vật khét tiếng, có thể mua và bán mọi thứ.
Có thể đưa ra bất cứ điều gì, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành xử như thế nào là một chuyện khác. Những đề xuất như vậy, tất nhiên, sẽ dẫn đến sự phức tạp trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả việc áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ phía Nga", - ông Kapustin nói.
"Nếu như ai đó vi phạm nghĩa vụ quốc tế, họ phải chịu trách nhiệm nhất định và Nga sẽ nắm lấy cơ hội này. Tôi nghĩ rằng người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ biết điều này", - chuyên gia Nga nói thêm.
"Khi ký kết bất kỳ hợp đồng ngoại thương nào, một số điều kiện luôn được quy định trong việc sử dụng hàng hóa được mua đối với bên mua.
Bắt buộc quy định các hạn chế sử dụng trên một vùng lãnh thổ nhất định, không tiết lộ bí mật hoặc bí quyết đào tạo sử dụng vũ khí, cũng như có thể có những hạn chế khác liên quan đến việc chuyển giao bằng sáng chế và thông tin khác đi kèm với giao dịch", - ông Kapustin nhấn mạnh.
"Liên quan đến hiệp ước cụ thể này, tôi không biết rõ nội dung, nhưng tôi nghĩ những vấn đề này đã được quy định trong đó, vì Nga đã từng phải đối mặt với tình hình này khi Liên Xô cung cấp một số loại vũ khí cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Warsaw, ví dụ như súng trường tự động Kalashnikov, giúp họ thiết lập sản xuất, nhưng đôi khi quên không đưa vào các điều khoản hạn chế.
Do đó, các đồng minh cũ như Bulgaria và một số quốc gia khác đã sản xuất vũ khí được cấp bằng sáng chế ở Liên bang Nga, bán chúng cho các quốc gia khác nhau mà không có sự đồng ý của Nga, kể cả trong khu vực xung đột, và những vũ khí này được sử dụng để chống lại chúng ta. Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm cay đắng này đã được tính đến", - chuyên gia Nga nhấn mạnh.
Theo trang báo Nga, đề xuất của Thượng nghị sỹ Thune không xem xét việc Thổ Nhĩ Kỳ có mong muốn và quyền bán lại S-400 mà không có sự cho phép của Nga hay không.
Ông Thune hiện là điều phối viên của phe Cộng hòa tại Thượng viện, nhân vật quan trọng thứ hai sau Thượng nghị sỹ Mitch McConnell.
Tuy nhiên, điều khoản này không đảm bảo chắc chắn đề xuất của ông Thune sẽ được đảng Cộng hòa ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận