Tuyến đường sắt xuyên Siberia |
Dự án xuyên quốc gia, xuyên văn hóa
Theo báo Siberian Times, Cơ quan đường sắt Nga mới đây đã đề xuất xây dựng tuyến đường cao tốc dài nhất thế giới. Tuyến đường này sẽ trải dài khoảng 12.400 dặm (gần 20 nghìn km), bằng một nửa độ dài đường xích đạo; từ nước Anh, qua châu Âu đến Nga, xuyên suốt nước Nga, qua eo biển Bering và tới Alaska của Mỹ.
Kế hoạch đầy tham vọng này có tên là Vành đai phát triển xuyên Á - Âu (TEPR), do một nhóm gồm người đứng đầu Cơ quan đường sắt Nga Vladimir Yakunin, Hiệu trưởng Đại học Moscow - ông Viktor Sadovnichy và viện sỹ Viện Khoa học Nga Gennady Osipov nghiên cứu và đề xuất. Kế hoạch được coi như một cách biến Nga thành một trung tâm giao thông toàn cầu, một cây cầu nối giữa châu Âu, châu Á với Bắc Mỹ, cũng như đem lại sức sống mới cho nền kinh tế Nga và thu hút du lịch.
Các nhà quan sát cho rằng, với việc Ngân hàng Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng sẽ ra mắt trong năm nay, nhiều khả năng sẽ là nguồn vốn cho dự án này. Hiện AIIB đã có 47 nước cả châu Á và châu Âu tham gia. Ngoài ra, với dự án này, vị thế của Nga sẽ được nâng lên rất nhiều so với bây giờ. |
Ông Vladimir Fortov, người đứng đầu Viện Khoa học Nga đã thúc đẩy trình kế hoạch này lên Tổng thống Vladimir Putin. “Dự án này cực kỳ tham vọng và đắt đỏ, nhưng nó có thể giải quyết rất nhiều vấn đề về phát triển của một vùng rộng lớn”.
Tuyến đường bộ liên tục dài nhất hiện nay trên thế giới là đường cao tốc số 1, bao quanh toàn bộ Australia, trải dài 9 nghìn dặm (gần 14.500 km). Tại Nga, hệ thống đường cao tốc xuyên Siberia dài hơn 6.800 dặm (10.900 km). Như vậy, nếu được xây dựng, tuyến đường mới sẽ là tuyến lớn nhất, dài nhất từ trước tới nay với các phân đoạn ở cả phía Tây và phía Đông.
Trình bày về kế hoạch này, ông Yakunin, đồng thời là một người bạn thân của Tổng thống Putin đã gọi đây là một dự án “xuyên quốc gia, xuyên văn hóa”. Ông cũng nói rằng, nó sẽ khiến nước Nga trở thành trung tâm mới của thế giới do vị trí nằm ở trung tâm hệ thống giao thông toàn cầu mới này.
Nếu được phê duyệt, đây cũng là dịp để Nga nâng cấp hệ thống đường bộ đang xuống cấp nghiêm trọng ở khu vực miền Đông nước này. 5 năm trước, ông Vladimir Putin đã đi dọc các tuyến đường hiện có ở vùng Viễn Đông Nga, trong chuyến đi tiếp xúc cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống. Với chiếc Lada màu vàng, ông đã lái 2 nghìn km xuyên Siberia nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ của mình cũng như ngành công nghiệp ô tô của Nga. Nhưng sự xuống cấp của hệ thống đường bộ ở khu vực này đã khiến chiếc ô tô của ông phải đi về bằng xe tải kéo.
Nhiều triển vọng
Ước tính sẽ cần đến hàng nghìn tỷ USD để xây dựng tuyến đường này, nhưng lợi ích kinh tế mà nó mang lại còn lớn hơn nhiều lần so với chi phí xây dựng. Nó sẽ tạo ra các dự án đầu tư mới, tạo cơ hội thành lập các thành phố mới dọc tuyến đường này. Không chỉ những nước có tuyến đường này đi qua được hưởng lợi mà cả sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo nhóm đề xuất, một tuyến đường sắt cao tốc và hệ thống đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt có thể sẽ được xây dựng song song với tuyến đường bộ mới này. Từ đó, kết nối trực tiếp ngành công nghiệp dầu khí của Nga với toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Về tuyến đường sắt, hiện Alaska chưa có tuyến đường sắt chở khách kết nối với nước Mỹ, mà mới chỉ có hệ thống đường cao tốc đi qua Canada. Còn tại châu Âu, Liên minh châu Âu cũng đang lên một kế hoạch riêng biệt về hành lang đường sắt cao tốc kết nối các nước Baltic với hệ thống đường sắt cao tốc Tây Âu, chạy qua Channel Tunnel đến London. Phần đi qua nước Nga có thể sử dụng hệ thống đường sắt xuyên Siberia đang được mở rộng.
Tuy nhiên, kế hoạch không đề xuất cụ thể về tuyến đường đi qua biển. Các lái xe sẽ đi như thế nào qua eo biển Bering nằm giữa Siberia và Alaska? Bằng phà, bằng đường hầm hay bằng các cây cầu? Các cây cầu và các đường hầm kết nối qua eo biển Bering đã được đề xuất từ cuối thế kỷ 19 nhưng tới nay vẫn chưa được xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận