Thời sự Quốc tế

Nga, Iran hợp tác xây dựng tuyến đường sắt tỷ đô, né căng thẳng chính trị

18/05/2023, 14:02

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt tại Iran.

Ngày 17/5, Điện Kremlin cho biết, thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt kết nối các TP Rasht và Astara của Iran.

Tuyến đường sắt dài 162km sẽ kết nối TP Rasht, gần Biển Caspi với TP Astara thuộc Iran, giáp biên giới với Azerbaijan. Sau khi hoàn thiện, tuyến đường sắt sẽ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ Vịnh Ba Tư tới Thủ đô Helsinki, Phần Lan qua TP Saint Petersburg, Nga.

img

Ảnh minh họa. Ảnh: Getty

Hợp đồng thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Rasht - Astara giữa Nga và Iran trị giá 1,6 tỷ USD. Tuyến đường này sẽ trở thành tuyến vận tải hàng hóa quan trọng thuộc Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc Nam (INSTC) - tuyến đường vận tải hàng hóa dài 7.200km kết nối Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu thông qua hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nga Putin cho biết: “Tuyến đường sắt Rasht - Astara sẽ trở thành một phần của tuyến vận tải Bắc Nam nhằm hỗ trợ đa dạng hóa luồng giao thông toàn cầu. Hoạt động vận tải trên hành lang mới sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể”.

Ông Putin cũng bày tỏ tin tưởng rằng tuyến đường sắt mới tại Iran sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại, chi phí vận tải và hỗ trợ phát triển các chuỗi logistics mới.

Tổng thống Nga cũng cho rằng tuyến đường sắt mới sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thông qua việc vận chuyển lương thực, các loại sản phẩm công nông nghiệp khác nhằm phục vụ người tiêu dùng tại Iran và các quốc gia ở Vịnh Ba Tư, châu Phi.

Hãng RT dẫn lời một số nhà phân tích nhận định Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc Nam có khả năng trở thành tuyến vận tải thay thế Kênh đào Suez nhằm đảm bảo luồng vận tải hàng hóa, thương mại diễn ra thông suốt, tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới.

Cũng theo RT, lâu nay, hệ thống cơ sở hạ tầng vận tải trên thế giới vốn tập trung vào kết nối Đông - Tây nhưng thời gian gần đây, một số tuyến đường mới ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn do xu hướng dịch chuyển toàn cầu hướng tới các thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư.

Quá trình xây dựng tuyến INSTC bắt đầu từ đầu những năm 2000 và càng được đẩy mạnh hơn trong bối cảnh phương Tây tăng cường áp lệnh trừng phạt Nga và Iran. Các lệnh trừng phạt này đã buộc Nga phải chuyển trọng tâm trao đổi thương mại từ châu Âu sang châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.