Khủng hoảng Ukraine đã kéo lùi tăng trưởng kinh tế Nga |
3 tháng, 65 tỷ USD bị rút
Cho dù những đe dọa trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU vẫn không làm Moscow lo lắng nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Nga. Trong 3 tháng đầu năm nay, 65 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khiến các chuyên gia kinh tế và quốc tế đều hạ thấp mức dự báo tăng trưởng và lo ngại lạm phát gia tăng, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Andrei Klepatch cho biết. Lượng vốn này bằng lượng tiền thoái khỏi Nga cả năm 2013.
Cũng theo ông Andrei Klepatch, tăng trưởng kinh tế năm nay đã bị hạ từ 2,5% xuống 0,5%, thậm chí là bằng không. Không những thế, Bộ Tài chính dự đoán, tác động của khủng hoảng Ukraine, sẽ khiến từ 100 tỷ - 150 tỷ USD vốn đầu tư sẽ bị rút trong năm nay.
"Cho dù có tới 100 tỷ đô la vốn đầu tư bị rút, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn có khả năng can thiệp tránh để đồng rúp bị rơi tự do. Và nhiều tập đoàn quốc tế, chủ yếu là châu Âu, không sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Nga”.
Ông Lilit Gevorgyan |
Cho dù điều này chưa thể làm kinh tế Nga suy sụp, nhưng chắc chắn nó sẽ là gánh nặng cho một nền kinh tế đang chững lại khi tỷ lệ tăng trưởng liên tục giảm mạnh từ 4,3 % năm 2011 còn 1,3 % năm 2013. GDP của Nga trong quý I//2014 đã giảm 0,5 % so với quý IV/2013. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp “căng thẳng địa chính trị leo thang”, hậu quả sẽ tai hại hơn nhiều. GDP giảm 1,8% cho năm tài khóa 2014 và còn giảm thêm ít nhất 2% năm tới. Đây sẽ là một cú sốc mạnh đối với Nga.
Tuy nhiên, Cơ quan tư vấn Capital Economics (London, Anh) cho rằng kinh tế Nga sẽ không sụp đổ như một số nhà phân tích bi quan vì: EU không thể tẩy chay dầu, khí đốt của Nga và Ngân hàng Trung ương Nga đang dự trữ ngoại tệ gần 500 tỷ USD.
Do vậy có thể nói Nga không sợ bị eo hẹp về tài chính. Trong trường hợp cần thiết, điện Kremli có thể sử dụng khối ngoại tệ đó để đối phó với những khó khăn nhất thời. Bằng chứng cụ thể là cho dù tư bản đã và còn đang tiếp tục ồ ạt rút đi khỏi nước Nga, Ngân hàng Trung ương vẫn tung tiền ra mua vào đồng rúp, hạn chế bớt nguy cơ đơn vị tiền tệ bị mất giá. Thậm chí có lúc Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào 10 tỷ rúp trong một ngày để giữ giá cho đơn vị tiền tệ.
Tích cực Tìm khách hàng mới
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chi phí cho những chương trình trợ cấp cho Crimea trong năm nay sẽ khoảng 100 tỷ rúp (2,8 tỷ USD). Trước đó, Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea Sergiy Aksyonov cho biết, Nga đã gửi cho khu vực này một khoản “hỗ trợ tài chính” trị giá 15 tỷ rúp (410 triệu USD). Về lâu dài, giới quan sát cho rằng, ngoài vấn đề Ukraine, Nga hiện đang phải chịu những tốn kém có khả năng cao hơn dự tính sau khi sát nhập Crimea.
Ngày 23/4, Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách các vấn đề an ninh của Ukraine, ông Vitaly Yarema tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn nhân dịp Lễ Phục sinh và tái phát động “giai đoạn tích cực” của “chiến dịch chống khủng bố” nhằm tiêu diệt các nhóm ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine. |
Để bù đắp khoản tài chính hao hụt và đề phòng trường hợp EU cắt giảm nhập khí đốt, hiện Nga đang rất tích cực thúc đẩy hợp tác tìm bạn hàng mới. Hạ viện Nga mới đây đã chấp thuận xóa nợ 10 tỷ USD cho Triều Tiên còn khoảng 1 tỷ USD sẽ được trả dần trong 20 năm. Động thái này được cho nhằm thuyết phục Triều Tiên tạo điều kiện cho Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua nước này tới Hàn Quốc. Từ lâu, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã lên kế hoạch xây dựng đường ống này với khả năng vận chuyển khoảng 10 tỷ m³ khí đốt mỗi năm. Ngoài ra, Nga đang hướng tới khách hàng tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản. Cụ thể, Moscow đã hợp tác để xây dựng hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt sang Bắc Kinh và đang lên kế hoạch tương tự với Tokyo.
Do đó, trước Quốc hội ngày 22/4 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tự tin nói rằng Nga sẵn sàng để gánh chịu chế tài mới của phương Tây về tình hình tại Ukraine. Ông Medvedev nói Nga không có kế hoạch giảm bớt thương mại với EU, nhưng nhờ sự hợp tác của những thị trường khác, Nga có thể giảm bớt những thiệt hại. Ông đảm bảo công nghiệp Nga dựa vào các thị trường khác sẽ nhận được sự yểm trợ của Chính phủ.
Thanh Huyền
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận