Góc nhìn

Nga sắp xây cầu mới đến Triều Tiên trong bối cảnh đặc biệt

28/03/2018, 10:21

Nga và Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị xây dựng một cây cầu mới ở biên giới hai nước, tạo đà thúc đẩy...

30

Cây cầu đường sắt bắc qua sông Tumen tại vùng biên giới Nga - Triều Tiên

Nga và Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị xây dựng một cây cầu mới ở biên giới hai nước, tạo đà thúc đẩy thương mại hai bên trong bối cảnh Moscow đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao từ các nước phương Tây bao gồm sự việc hơn 100 nhà ngoại giao của nước này vừa bị nhiều nước trục xuất.

Một cây cầu phao

Nguồn tin của hãng Reuters cho biết, các quan chức Nga đã đến Triều Tiên tuần qua để thảo luận về kế hoạch xây dựng một cây cầu mới bắc qua sông Tumen, nằm ở phía Đông Bắc bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tạm thời lắng xuống.

Triều Tiên có chung biên giới với ba nước: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, kéo dài suốt 18km biên giới giữa Nga và Triều Tiên dọc theo sông Tumen, chỉ có duy nhất một cây cầu bắc qua sông này mang tên “Hữu Nghị”. Cây cầu đường sắt kết nối hai quốc gia này được mở cửa năm 1959.

Cây cầu mới được kỳ vọng sẽ giúp các phương tiện hai nước đi lại thuận tiện, không cần vòng qua Trung Quốc. Bởi hiện tại, có tới 23 điểm kiểm soát xe cộ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã được thiết lập nhưng chưa có trạm nào với Nga. Hàng hóa nhập khẩu từ vùng Viễn Đông của Nga phải đi đường vòng qua Trung Quốc để tới Triều Tiên. Điều này đặt ra nhu cầu xây mới nhiều con đường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Triều Tiên Ro Tu-chol đã chủ động đề xuất hợp tác với Nga mở rộng cây cầu đường sắt hiện tại, nhưng ông Alexander Galushka, Bộ trưởng Phát triển vùng Viễn Đông của Nga lại muốn xây dựng một cây cầu phao bán cố định mới. Kế hoạch này dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng cho thấy Nga và Triều Tiên đều đang hướng tới một tương lai thương mại trực tiếp ngoài những biện pháp chế tài và căng thẳng quân sự.

Ý tưởng về cầu phao cũng cho thấy, Nga muốn nhanh chóng có một kênh kết nối giao thương mới với Triều Tiên bởi việc thi công cầu phao nhanh hơn nhiều so với cầu bê tông cốt thép, hay việc mở rộng cây cầu sắt hiện tại. Hơn nữa, một cây cầu mới sẽ giúp hạn chế bất kỳ sự cố bất ngờ liên quan đến hậu cần hoặc kỹ thuật có thể khiến tuyến đường sắt hiện thời giữa hai nước không thể hoạt động.

Mong muốn của Nga và Triều Tiên

Nga và Triều Tiên vốn có truyền thống giao thương. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũ là một đồng minh tài chính quan trọng nhất của Triều Tiên, chiếm tới một nửa thương mại nước ngoài của Triều Tiên trong những năm 1970 và 1980.

Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng dần xa nhau từ khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin lên nắm quyền và tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Seoul.

Dù quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã cải thiện khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 2000 của Tổng thống Nga, trao đổi thương mại giữa hai nước không tăng nhiều. Năm 2013, Nga chỉ chiếm 1% thương mại nước ngoài của Triều Tiên, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Chính vì vậy, học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại và là đồng biên tập của Tổ chức Theo dõi kinh tế Triều Tiên cho rằng, cây cầu mới mang giá trị biểu tượng hơn là giá trị kinh tế. Nhưng “dường như cả 2 nước tin tưởng rằng trong thời gian dài tới, thương mại song phương sẽ trở lại”.

Ý kiến của học giả Silberstein thuyết phục bởi việc xây cầu được đưa ra trong bối cảnh Nga đang gặp khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng với các nước phương Tây (bao gồm cả Mỹ), liên quan đến vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, người từng bị Nga kết án phản quốc.

Mỹ, Anh và 20 quốc gia khác đã tuyên bố trục xuất hơn 130 nhà ngoại giao Nga, đồng thời đóng cửa một số cơ quan ngoại giao của Moscow tại các nước này. Đây được coi là xung đột chính trị, ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo truyền thống, Nga thường liên kết chặt chẽ với các đồng minh để tăng thêm vị thế trong các thời điểm bị phương Tây cô lập.

Còn đối với Triều Tiên, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị “lép vế” khi phải cam kết dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trước cuộc gặp mà vẫn phải chịu các trừng phạt kinh tế và sức ép tối đa từ Mỹ và đồng minh.

Cũng ở thời điểm “nhạy cảm” này, Hàn Quốc mua thêm 40 chiến đấu cơ tàng hình F-35A cùng nhiều tên lửa hành trình không đối đất Taurus, mà Bình Nhưỡng chỉ trích là đi ngược lại bầu không khí hòa giải đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chọn Cố vấn An ninh quốc gia mới, ông John Bolton, người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên, từng kêu gọi Mỹ tấn công phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng.

Chính vì nhiều sức ép bất lợi từ Mỹ và Hàn Quốc, nên việc xây thêm một cây cầu với Nga mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị quan trọng đối với Triều Tiên trong thời điểm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.