Những ngày gần đây, du khách đến với khu du lịch Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) luôn trầm trồ và thích thú trước vô số tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc từ gỗ lũa.
Theo các chuyên gia và dân chơi gỗ, khi các cây cổ thụ trong tự nhiên chết đi, qua quá trình bào mòn của thiên nhiên sẽ còn lại phần lõi cứng bên trong. Gỗ lũa chính là phần lõi còn sót lại đó.
Chính vì quá trình hình thành đặc biệt như vậy nên gỗ lũa thuộc dạng quý hiếm, có các ưu điểm cứng, chắc, không bị ảnh hưởng bởi mối mọt và các điều kiện tự nhiên.
Anh Phan Văn Khánh, Quản lý khu du lịch cho biết, trước đây, cậu của anh là ông Nguyễn Văn Nghỉ (cũng là chủ đầu tư khu du lịch) làm nghề bơm cát, san lấp mặt bằng. Một dạo, các ngư dân đi đánh bắt cá ở sông Tiền liên tục gặp phải các khúc gỗ mắc vào lưới, làm lưới rách, không kéo lên được.
Sẵn có phương tiện, ông Nghỉ cho vớt những khúc gỗ lên, rồi mua dùm cho ngư dân, như một cách giúp đỡ họ sau một ngày thất thu.
“Ban đầu, cậu tôi không quan tâm đó là gỗ gì, chỉ mua dùm cho bà con, rồi mang về để trong kho. Gỗ ngày một nhiều, chất thành đống, đến nỗi người qua lại thường nói vui: “Bộ tính mua về nấu bánh tét hả?”, anh Khánh kể.
Vài năm trở lại đây, ông Nghỉ chuyển qua đầu tư, mở khu du lịch sinh thái Mỹ Luông. Lúc này, ông nảy ra ý tưởng mang những khúc gỗ trước đây tạo hình, rồi đặt trong khu du lịch, để khách đến vui chơi có thể thưởng lãm, cũng là tạo điểm nhấn cảnh quan.
“Chúng tôi thuê thợ từ Huế và miền Bắc vào điêu khắc, mất hơn năm trời mới hoàn thành. Khi bắt tay vào làm, mình mới tìm hiểu và biết, đây là gỗ lũa”, anh Khánh nói tiếp.
Sản phẩm được tạo hình cầu kỳ độc đáo từ gỗ lũa.
Gỗ lũa có thể được tìm thấy dưới lòng sông suối. Đây là cách phổ biến nhất tìm thấy được gỗ lũa. Sau các đợt lũ lụt nhiều cây gỗ to bị bật gốc do đất bị trôi và bị cuốn xuống các dòng sông, suối.
Chính vì vậy việc khai thác rất khó khăn do phải đưa các khối gỗ lớn lên từ các lòng sông, suối sâu.
Đến nay, đã có hơn 3.000 khối gỗ của ông Nghỉ được tạo hình. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, những khúc gỗ vô tri vô giác, đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo.
Bên cạnh gỗ lũa, khu du lịch của ông Nghỉ còn có căn phòng 300 m2 chứa hàng trăm loại xe máy các đời những năm 1965, 1967 đến nay và cả các dòng xe tay ga cao cấp sau này như SH, Vespa, Honda Dylan, PCX...
Đặc biệt, những chiếc xe này đều mang biển số rất đẹp như: Tứ quý, ngũ quý, sảnh…
Bên cạnh đó, là những món đồ cỗ rất giá trị cũng được ông Nghỉ sưu tầm để trong khu du lịch, để du khách đến tham qua thưởng lãm.
“Ở tỉnh An Giang này, khu du lịch rất nhiều, nhưng ở Chợ Mới thì chưa có khu nào. Chính vì vậy, tôi đã mở khu du lịch sinh thái Mỹ Luông, với mong muốn ai cũng biết đến quê hương Chợ Mới”, ông Nghỉ chia sẻ.
Những hình ảnh về bộ sưu tập điêu khắc từ “báu vật” gỗ lũa ở khu du lịch Mỹ Luông:
Tượng Phật nằm được chế tác, tạo hình vô cùng tinh xảo
Đại bàng tung cánh
Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận