Mỹ và Nhật Bản bảo lãnh 1,6 tỷ đô
Theo một quan chức cấp cao của ADB, đây là lần đầu tiên khoản cho vay về khí hậu được các quốc gia đứng ra bảo lãnh. Mô hình này được coi là khuôn mẫu để các ngân hàng phát triển khác noi theo, khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc tại Baku, Azerbaijan họp trong tuần này nhằm tăng tiền tài trợ cho các quốc gia đang phát triển.
ADB đã đặt mục tiêu cho vay tài chính khí hậu tích lũy dài hạn lên tới 100 tỷ đô la trong giai đoạn từ từ 2019 đến 2030. Năm 2023, ngân hàng này đã cho vay 9,8 tỷ đô la.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tuần trước của ông Donald Trump, người tuyên bố sẽ loại Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, đã làm lu mờ sự khởi đầu của các cuộc đàm phán ở Baku, gây thêm áp lực cho châu Âu và Trung Quốc trong nỗ lực hướng tới một kết quả tốt hơn.
Theo kế hoạch của ADB, Mỹ sẽ bảo lãnh khoản vay hiện tại lên tới 1 tỷ đô la từ tổ chức phát triển hàng đầu châu Á, trong khi Nhật Bản sẽ bảo lãnh 600 triệu đô la nhằm cho vay nhiều hơn đối với các dự án liên quan đến khí hậu.
"Cấu trúc này là một cách tuyệt vời để mở rộng năng lực cho vay của ngân hàng phát triển đa phương (MDB) mà không phải trải qua vướng mắc liên quan đến chính trị khi tăng vốn chung", ông Jacob Sorensen, Giám đốc quỹ đối tác tại ADB nói với hãng tin Reuters.
Người phát ngôn của ADB đã từ chối bình luận về việc liệu các thỏa thuận đã được hoàn tất vào tuần trước có bị ảnh hưởng bởi chính quyền của ông Trump sắp tới hay không.
Theo ADB, khoản tiền cho vay bổ sung mà các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ được triển khai trong 5 năm tới, với thời hạn của các khoản bảo lãnh là 25 năm.
Dầu ăn thành nhiên liệu phản lực
Một trong những bên hưởng lợi đầu tiên từ động thái mới này của ADB sẽ là một dự án ở Pakistan nhằm tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững từ dầu ăn. ADB cho biết, khoảng một nửa trong số 90 triệu đô la cần thiết sẽ đến từ chương trình của ngân hàng này với thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết vào ngày 20/11.
ADB, ngân hàng có trụ sở tại Philippines, đã dành 3 năm để phát triển thỏa thuận bảo lãnh với một nhóm các chính phủ phương Tây và hy vọng các quốc gia khác sẽ sớm làm theo.
Ngân hàng Phát triển châu Á đã chia sẻ kinh nghiệm với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu như một phần của nỗ lực hợp tác rộng lớn hơn nhằm mở rộng quy mô cho vay liên quan đến khí hậu. "Chúng tôi đã tham vấn rộng rãi với nhiều MDB khác", ông Sorensen cho biết.
Mặc dù các thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên sử dụng bảo lãnh của chính phủ cho tài chính khí hậu, nhưng trước đây chúng từng được sử dụng để tài trợ cho các lĩnh vực cho vay khác như giáo dục.
Các tổ chức cho vay cũng đã bắt đầu bảo lãnh các khoản đầu tư của bên thứ ba cho các dự án khí hậu. Đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới ra mắt một nền tảng để lưu trữ tất cả các khoản bảo lãnh như vậy cho các khoản vay và đầu tư từ khắp các chi nhánh khác nhau, nhằm mục đích mở rộng việc sử dụng chúng.
Theo ông Axel van Trotsenburg, Giám đốc điều hành cấp cao của ngân hàng ADB, chương trình đang diễn ra thuận lợi, khi đảm bảo hơn 10 tỷ đô la vào năm 2023, với mục tiêu tăng gấp đôi con số hàng năm cho đến năm 2030.
Khi biến đổi khí hậu làm gia tăng mối đe dọa của thời tiết khắc nghiệt và thảm họa trên toàn thế giới, các nước đang phát triển được dự báo sẽ cần hơn 2 nghìn tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030 để chuyển sang năng lượng sạch và chuẩn bị cho các điều kiện của một hành tinh nóng hơn.
Các quốc gia giàu có đang hy vọng thỏa thuận tài trợ tại COP29 sẽ không chỉ dựa vào các khoản quyên góp từ họ để đầu tư cho khí hậu, mà thay vào đó sẽ hướng đến các ngân hàng phát triển cũng như các nhà đầu tư tư nhân khác để có được phần lớn tiền mặt cho khí hậu thế giới.
(Nguồn Reuters)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận