Trưởng đoàn đàm phán Cuba - Josefina Vidal (phải) và Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Roberta Jacobson |
Giải quyết chuyện đi lại
Sau hai ngày làm việc cuối tuần qua (22-23/5), Mỹ và Cuba kết thúc vòng đàm phán thứ tư mà chưa đạt được thỏa thuận mở lại các Đại sứ quán ở Thủ đô mỗi nước.
Theo Trưởng đoàn đàm phán Cuba - Josefina Vidal thì dù chưa đạt được việc mở Đại sứ quán, song hai bên đã đạt được rất nhiều tiến triển và nhất trí sẽ gặp lại nhau trong những tuần tới. Còn bà Roberta Jacobson, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ nói: Không khí đàm phán tích cực, dù vẫn còn một số khúc mắc như chức năng, hoạt động của đại sứ quán mỗi bên và quyền đi lại của các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba.
Phía Mỹ yêu cầu giới chức Cuba cho phép các nhà ngoại giao Mỹ được tự do đi lại ở Cuba và gặp các nhân vật bất đồng chính kiến. Cuba cũng yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ những hạn chế về đi lại đối với các nhà ngoại giao Cuba. Hiện, Mỹ quy định các nhà ngoại giao Cuba tại Washington DC và ở Liên hợp quốc phải xin phép nếu muốn đi ra ngoài bán kính 40 km; Đồng thời, Mỹ phải đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Trước đó, Chính quyền Tổng thống Obama đã đề nghị Quốc hội Mỹ gạch tên Cuba khỏi danh sách nói trên và điều này sẽ diễn ra sau ngày 29/5.
Khi hai bên thống nhất được các thỏa thuận và yêu cầu, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đệ trình báo cáo lên Quốc hội Mỹ trước khi mở lại các Đại sứ quán nửa tháng.
Ngay trước thềm đàm phán, phía Mỹ có một động thái thiện chí khi tuyên bố sẽ xem xét thay đổi “các chương trình ủng hộ dân chủ” - đang bị Cuba phản đối nhiều năm qua vì cho rằng, chương trình này huấn luyện các nhân vật chống đối nhằm lật đổ chế độ.
Ông Josh Earnest, Thư ký báo chí Nhà Trắng ghi nhận việc hai nước xích lại gần nhau sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho chính nước Mỹ và Cuba có thể là một thị trường giàu tiềm năng cho hàng hóa Mỹ.
Mở lại tài khoản ngân hàng
Kể từ khi mở vòng đàm phán đầu tiên hồi tháng 1/2015, hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ và mới nhất là khôi phục lại quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng. Vụ phó Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba Gustavo Machin nêu rõ, nếu quan hệ ngoại giao song phương được khôi phục, các bộ phận đại diện cho lợi ích mỗi nước đặt tại Washington và La Habana sẽ được nâng cấp thành các đại sứ quán. Và việc Mỹ giúp Cuba tìm một ngân hàng để xử lý các tài khoản của nước này ở Mỹ đang tạo ra “những điều kiện chín muồi cho việc tái thiết lập các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước”.
Trước cuộc đàm phán một ngày, tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bà Roberta Jacobson đề nghị Quốc hội từ bỏ chính sách bao vây cấm vận chống Cuba, nhằm tạo bước ngoặt trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
Theo bà Jacobson thì mô hình hoạt động của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba trong tương lai sẽ “vừa giống với các phái đoàn ngoại giao khác tại Cuba, vừa giống Đại sứ quán Mỹ tại các nước khác”; Đồng thời cam kết với các nghị sĩ rằng việc mở lại Đại sứ quán Mỹ sẽ “tăng cường tiếp xúc với người dân Cuba thuộc mọi tư tưởng chính trị”.
Cùng ngày diễn ra các cuộc đàm phán, giới chức Cuba cho biết, Phòng Đại diện quyền lợi của nước này tại Mỹ đã tiếp cận lại được dịch vụ ngân hàng. Trước đó, ngày 20/5, ngân hàng Stonegate tại bang Florida đã mở một tài khoản ngân hàng cho Chính phủ Cuba. Đây là ngân hàng đầu tiên của Mỹ mở tài khoản cho chính phủ Cuba. Ngân hàng Stonegate cung cấp tất cả các dịch vụ tài chính - ngân hàng với 22 điểm giao dịch tại khu vực Tây và Nam tiểu bang Florida. Sau khi mở tài khoản cho Chính phủ Cuba, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng 1,7% lên 29,82 USD/cổ phiếu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận